Ngân hàng ồ ạt nới tín dụng với bất động sản: Cảnh báo rủi ro

Cập nhật 01/08/2012 08:30

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, báo chí liên tục đưa tin ngân hàng này cho vay hỗ trợ dự án X, dự án Y với lãi suất ưu đãi, thậm chí 0%, lãi suất cho vay cũng trên đà giảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu mừng, giúp hâm nóng thị trường BĐS, nhưng cũng không ít chuyên gia cho rằng việc NH đột ngột nới lỏng tín dụng như vậy tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và thực chất đây là động thái tự cứu mình của các NH…

Dự án Indochina Plaza Hanoi đang được Vietcombank hỗ trợ lãi suất vay mua nhà 0%/năm.

Hai bên cùng có lợi

Thông tin Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp với Indochina để hỗ trợ cho khách hàng mua mới nhà dự án Indochina Plaza Hanoi với lãi suất 0% một năm cố định trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên đã làm cho nhiều người có nhu cầu mua nhà "choáng". Từ khi có thông tin này, theo đại diện Cty DTJ, đơn vị bán hàng cho dự án Indochina Plaza Hanoi, số lượng người gọi điện, tìm hiểu cách thức vay, giá cả căn hộ tăng đáng kể so với thời điểm hồi đầu năm. Đặc biệt, từ sau khi đơn vị bán hàng quyết định tặng 20% giá trị gói nội thất cho khách hàng mua căn hộ tại dự án này, khá nhiều khách hàng đã quyết định ký hợp đồng mua nhà. Theo DTJ, chỉ trong vòng 2 ngày sau khi đưa ra chương trình khuyến mãi, cho khách hàng tham quan căn hộ mẫu, đơn vị này đã thu về gần 50 tỉ đồng tiền bán căn hộ, điều mà cả tháng trời trước đó là niềm mơ ước của nhiều sàn giao dịch khác.

Điều đáng nói là không chỉ hỗ trợ mỗi dự án này mà Vietcombank còn hỗ trợ cho khách mua nhà dự án Ecopark với lãi suất 8%, thậm chí 4% một năm, thấp hơn nhiều mặt bằng 15-16% hiện nay. Tương tự, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng "bắt tay" với các chủ đầu tư để hỗ trợ cho khách mua nhà. Khách vay mua căn hộ dự án Dream Town sẽ được hưởng lãi suất 12% một năm trong 6 tháng; NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) đầu tháng 7 cũng tung gói hỗ trợ cho vay mua nhà trị giá 5.000 tỉ đồng. Điểm đặc biệt là hầu hết các NH đều cam kết sẽ cho vay tới 70% giá trị căn hộ.

Chạy đua với các "ông lớn", một số NHTMCP cũng vào cuộc dưới nhiều hình thức như VPBank mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất 12% một năm; Techcombank cho vay mua nhà và vay tiêu dùng thế chấp nhà lãi suất cố định 12,99% trong 3 tháng đầu; Maritime Bank cho vay tiêu dùng lãi suất 0,68% một tháng (tương đương hơn 8%/năm)...

Theo một số chuyên gia, việc bắt tay giữa NH và chủ đầu tư thực chất là hình thức hợp tác hai bên cùng có lợi. Chủ đầu tư muốn giải phóng hàng tồn kho, còn với NH, kích thích cho vay tiêu dùng không chỉ là một trong những kênh khơi thông tín dụng đang ứ đọng trong các NH. Theo một lãnh đạo của VietinBank, với việc tín dụng tăng trở lại một cách tích cực, tới đây không chỉ cho vay mua nhà, NH sẽ còn tiếp tục tung ưu đãi cho vay tiêu dùng như mua xe, mua đồ dùng...

Rủi ro chực chờ?


Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính NH - xét về nghiệp vụ và những quy chuẩn trong hoạt động tín dụng thì việc các NH ồ ạt cho vay mua nhà có thể sẽ vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng. Hiện phần lớn các gói cho vay mua nhà đang được các NH quảng bá là 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chính là các khoản vay dài hạn, trong khi vốn huy động của các NH chủ yếu là vốn ngắn hạn và các NH chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. “Đành rằng việc nới lỏng tín dụng đối với BĐS tại một số dự án là theo chủ trương của Chính phủ, nhưng bản thân dòng vốn của các NH là vốn ngắn hạn, nên nếu càng lao vào BĐS thì về lâu dài NH sẽ gặp nhiều rủi ro”, TS. Hiếu nói.

Một chuyên gia giấu tên thì khẳng định, chính việc chạy theo áp lực tăng trưởng tín dụng đã buộc các NHTM đặt mình vào thế rủi ro khi mạnh tay với các gói cho vay mua nhà hỗ trợ lãi suất. Mặt khác, với một số NHTM, đây cũng là cách giúp họ thoát được vốn từ các dự án BĐS lớn nhỏ mà họ đang làm chủ.

Tuy nhiên, theo TS Hiếu, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan bảo lãnh tín dụng như ở Mỹ hay nhiều nước khác, đây là việc làm hết sức nguy hiểm. “Các NH đang kẹt vốn tại các dự án mà vẫn tiếp tục bắt tay với chủ đầu tư lại càng khiến NH thêm kẹt. Muốn giải quyết thì tốt nhất phải tiến hành cho vay ngắn hạn để đồng vốn quay vòng được nhanh hơn” - TS Hiếu nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS gặp khó khăn như hiện nay, nếu các NH không xem xét, sàng lọc các dự án để cho chủ đầu tư tiếp tục vay thêm thì rất có thể NH cũng “chết chìm” theo chủ đầu tư, theo dự án. “Việc nới lỏng tín dụng BĐS phải đúng đối tượng, phải hướng đến những người có nhu cầu mua nhà thực sự, những người thu nhập thấp. Trong bối cảnh hiện nay, nên thành lập Cty mua bán nợ để xử lý nợ xấu. Đây là Cty chuyên biệt của ngành NH và không quá lo lắng về sự phát triển của Cty này, bởi khi kinh tế khởi sắc, nợ xấu, nợ quá hạn giảm thì Cty này sẽ tự mất. Như vậy sẽ an toàn hơn so với cách làm ồ ạt nới tín dụng BĐS như hiện nay” - TS Kiêm đề xuất.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động