Ngân hàng khóc ròng với nhà đất gán nợ

Cập nhật 21/11/2012 13:36

Tài sản đảm bảo hiện phần lớn đều là bất động sản. Chính vì vậy, lãnh đạo ngân hàng đau đầu trong việc tìm đầu ra cho bất động sản bị thế chấp. Bán ai mua? Giá thế nào để đủ thu hồi gốc, lãi?

Sa lầy

Báo cáo thẩm định của nhiều ngân hàng nhận xét, tài sản đảm bảo là bất động sản có vị trí tốt, môi trường xung quanh đảm bảo, tính khả mại cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự thật lại trớ trêu bởi muốn rao bán nhà đất cũng chẳng ai mua.

Hơn nữa, đau đầu hơn là bất động sản tại các dự án mới. Nhiều dự án vay vốn ngân hàng thế chấp tài sản đảm bảo bằng chính bất động sản - tài sản hình thành trong tương lai là thành quả kiến trúc sau xây dựng... Khi nền kinh tế khó khăn, đồng vốn luân chuyển gặp vấn đề thì các dự án dở dang. Lúc này, ngân hàng rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu mạnh tay cắt vốn coi như dự án đi tong, còn cho vay tiếp thì chẳng biết tương lai thế nào.

Chưa kể, đối với các dự án chung cư, một số doanh nghiệp ngoài vay tiền ngân hàng với tư cách của một pháp nhân, thì lãnh đạo còn lấy tư cách cá nhân để vay tiền ngân hàng. Mục đích vay đương nhiên là để mua những căn hộ thuộc dự án do chính công ty đầu tư. Nếu dự án này đã khởi công, đã có nhà thì ngân hàng còn có cơ hội. Song, với các dự án đang xây dựng, hoặc chưa khởi công thì thực sự là sự sa lầy, cả pháp nhân lẫn cá nhân.

Lúng túng hàng tồn kho

Ngoài bất động sản, một lượng lớn tài sản đảm bảo ở dưới dạng các hàng tồn kho, khoản phải thu, quyền đòi nợ, quyền tài sản... Tuy nhiên, hướng xử lý đối với các loại tài sản đảm bảo này đang là cả vấn đề nan giải.
 


Theo anh Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng Khách hàng SME (DN vừa và nhỏ) một chi nhánh ngân hàng ở phía Nam, thì "tài sản đảm bảo là hàng tồn kho là một hình thức để gia tăng doanh số cho vay của ngân hàng. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có bất động sản, và bất động sản cũng chỉ có giới hạn của nó. Bản thân ngân hàng cho vay cũng nhận thấy sự tiềm ẩn rủi ro của dạng này, nhưng đó là một hướng giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn".

Đây là lý giải được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, người công tác trong ngành ngân hàng cũng đồng ý rằng cần nhìn nhận thấu đáo hơn vì tình hình doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, tồn kho của họ rất lớn.

"Nếu đầu ra của họ tốt thì họ đã bán được hàng, có tiền trả nợ. Còn bây giờ, họ không bán được thì không có tiền, nên ngân hàng có ôm hàng cũng rất khó. Lý do, các công ty này là "dân chuyên nghiệp" mà còn không bán được thì ngân hàng nhảy vào còn khó nữa" - anh Phú nhận xét.

Cũng xin nói thêm, trong số các tài sản đảm bảo, hàng tồn kho còn có dạng "hàng tồn kho luân chuyển", tức là doanh nghiệp thế chấp một lô hàng với số lượng nhất định tại nhà băng. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, số hàng này chỉ là một lô mà họ có thể xuất ra, nhập vào, chỉ cần đảm bảo trong kho luôn có một lượng hàng hoá trị giá như đã thế chấp với ngân hàng. Song, với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp không bán được, hàng ứ đọng trong kho, làm tăng lượng tồn kho. Điều này không vui vẻ gì cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
 


Còn đối với các loại tài sản khác như khoản phải thu, quyền đòi nợ, quyền tài sản thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì cũng rất khó xử lý.

Công cuộc xử lý nợ luôn là một quá trình dài hơi và khó khăn, không phải vì có tài sản đảm bảo mà các ngân hàng có thể yên tâm, kê cao gối mà ngủ được. Chính vì vậy, sự đề phòng cao nhất vẫn là tăng cường công tác thẩm định từ đầu, quản trị rủi ro.

È cổ xử lý nợ xấu

Thông tin gần đây đều chỉ ra rằng, các ngân hàng đang thừa vốn, còn doanh nghiệp thì vẫn kêu là khó tiếp cận. Đây là tình trạng "cám cảnh" của ngành ngân hàng.

Theo nhiều chuyên viên quan hệ khách hàng, các doanh nghiệp là những người mang đến lợi nhuận cho ngân hàng. Trong quá khứ, các doanh nghiệp luôn ở "trên cơ" với ngân hàng. "Làm gì có chuyện ngày xưa doanh nghiệp phải cầu cạnh ngân hàng để vay vốn. Ngoại trừ các ngân hàng nhà nước có nguồn lực dồi dào, lãi suất thấp hơn thì mới có tình trạng đấy, còn lại các ngân hàng cổ phần thương mại, bản thân giữa các chi nhánh đã cạnh tranh khốc liệt rồi chứ chưa nói cả tá ngân hàng khác lúc nào cũng chờ chực để tiếp cận được khách hàng" - một chuyên viên nói.

Có lẽ, điều này đã gây ra hậu quả nợ xấu như hiện nay. Trước đó, khi khách hàng luôn "có giá" nên công tác thẩm định cũng dễ dàng, thoáng hơn nhằm mục đích giải ngân thật nhanh, rồi giờ đây chính ngân hàng lại phải lo xử lý nợ xấu.

Khi doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng cũng khắc khoải, bởi mối lo nợ xấu tăng lên, lợi nhuận giảm. "Nếu xử lý nợ mạnh tay thì doanh nghiệp chết hẳn, không thì cũng rất khó xử".

Và câu hỏi lớn nhất mà thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cần trả lời là việc đảo nợ tại các ngân hàng. Kinh tế khó khăn, liệu việc đảo nợ có gia tăng? Cũng xin nói thêm, đảo nợ ở đây phải hiểu là việc các ngân hàng giúp cho khách hàng giải ngân món vay mới để tất toán cho món vay cũ. Bản thân việc đảo nợ xấu hay tốt vẫn còn gây tranh cãi trong ngành ngân hàng, nhất là vào bối cảnh hiện nay. Người thì cho rằng, việc đảo nợ giúp cho doanh nghiệp "có thêm cơ hội, kéo dài thời gian vay vốn, hy vọng vượt qua được khó khăn hiện tại". Song, ý kiến khác phản bác bởi việc này cũng có thể là cách để nuôi dưỡng nợ xấu bởi khách hàng không còn khả năng trả nợ, còn ngân hàng cứ cho đảo nợ để cuối cùng, dư nợ vẫn tồn tại mà nhà băng cũng trắng tay.
 

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN