Ngân hàng cho vay 6% yêu cầu chủ đầu tư phải giảm giá nhà

Cập nhật 24/05/2013 14:17

Nắm phần lớn "quyền lực" giải ngân trong số 30.000 tỷ cho vay mua nhà lãi suất 6%, BIDV đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng yêu cầu các chủ đầu tư giảm giá bán nhà thực sự.

Đây là một trong số nhiều giải pháp BIDV đưa ra trong bản báo cáo đánh giá các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhằm đề xuất Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần tiếp tục xem xét, thực hiện để tháo gỡ cho thị trường và thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ 30.000 tỷ.

Theo đó, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu hồi các dự án không tuân thủ đúng cam kết khi cấp phép đầu tư, yêu cầu dừng đầu tư các dự án không còn khả thi, yêu cầu các chủ dự án thực hiện các biện pháp hữu hiệu để giảm giá bán.

Đối với nhà ở xã hội, BIDV đề xuất Bộ Xây dựng cần chỉ rõ những doanh nghiệp mà Bộ có phê duyệt dự án nhà ở xã hội sẽ được công bố và gửi đến NHNN để kịp thời giải ngân và cho vay tại thời điểm thông tư có hiệu lực ngày 01/06/2013.

BIDV: Bộ Xây dựng cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu hồi các dự án không tuân thủ đúng cam kết khi cấp phép đầu tư

Các cơ quan chức năng (Chính phủ, NHNN, Bộ Xây dựng) cần nghiên cứu xem xét việc dùng tài sản hình thành từ vốn vay là nhà ở xã hội. Do chưa có hướng dẫn của NHNN và các bộ ngành liên quan về trình tự thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản đảm bảo là nhà ở xã hội để thu hồi nợ nên trong thời gian tài sản chưa được phép mua bán, chuyển nhượng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản thu hồi nợ.

Khách hàng vay là những người có thu nhập thấp và không ổn định, do đó việc xác định nguồn thu nhập để trả nợ vay là tương đối khó khăn và rủi ro phát sinh từ những khoản vay này tương đối lớn nên NHNN cần có giải pháp cụ thể tránh để phát sinh nợ xấu đối với nhóm khách hàng này.

Chính phủ tiếp tục xem xét, chỉ đạo và cho phép UBND các tỉnh/địa phương mua một phần (30%) sản phẩm đầu ra của dự án nhà ở xã hội, cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư.

UBND tỉnh/Quỹ đầu tư phát triển các địa phương có phương án bảo lãnh vay vốn cho chủ đầu tư và người mua khi vay vốn NH.

Bộ Xây dựng nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để tạo nguồn cung nhà ở xã hội cũng như điều kiện tái cấu trúc thị trường bất động sản.

Các chính sách cần hướng tới việc tạo hành lang pháp lý lành mạnh, minh bạch tạo thuận lợi cho thị trường, giảm tối đa chi phí ngầm, giảm thời gian thủ tục hành chính, chi phí cấp giấy chứng nhận QSD đất ở, sở hữu nhà ở…; hạn chế việc đẩy giá, đầu cơ; công khai quy hoạch, kiến trúc thành phố, tránh trình trạng quy hoạch treo nhiều năm không có sự rà soát gây chồng chéo, ảnh hưởng sự ổn định cuộc sống của người dân; có các biện pháp mạnh, cơ chế rõ ràng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án.

Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt đề án thành lập Công ty tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia. Đây sẽ là định chế tài chính nhà ở chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam có khả năng tập trung nguồn vốn tài chính cho nhà ở thương mại và nhà ở xã hội góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn thị trường Bất động sản hiện nay.

Bộ Xây dựng cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu hồi các dự án không tuân thủ đúng cam kết khi cấp phép đầu tư, yêu cầu dừng đầu tư các dự án không còn khả thi, yêu cầu các chủ dự án thực hiện các biện pháp hữu hiệu để giảm giá bán.

Hiện nay, Bộ xây dựng cũng như các cơ quan chức năng như Sở tài nguyên môi trường và UBND tỉnh thành phố trực tiếp quản lý đã thực hiện các đợt rà soát kiểm tra để xác định các dự án không đáp ứng được tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, văn bản quy định chính thức về điều kiện thu hồi, cách thức thu hồi, cũng như xử lý với các dự án này vẫn chưa được ban hành khiến cho quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Các cơ chế, chế tài trong việc giám sát quản lý chặt chẽ thị trường Bất động sản cần sớm được xây dựng. Theo đó Bộ Xây dựng cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định về xử lý hành chính đối với các lĩnh vực, trong đó có các biện pháp xử lý giao dịch bất động sản không thực hiện qua sàn cần được quy định một cách cụ thể.

Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ mua nhà ở không phân biệt theo đối tượng chính sách và ngoài chính sách mà thay thế bằng đối tượng thực sự có nhu cầu do chưa có nhà ở và đang có khó khăn về nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet