Mở rộng đối tượng được ưu tiên vay tín dụng

Cập nhật 23/12/2011 11:25

Năm 2012, Chính phủ quyết định đưa mức tăng trưởng tín dụng chung lên 15 - 17%.

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 diễn ra sáng 22.12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN Nguyễn Văn Bình cho biết điều lo ngại nhất trong điều hành chính sách tiền tệ năm tới là làm sao giảm được mặt bằng lãi suất.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Nguyệt Minh
Theo ông Nguyễn Văn Bình, năm 2012, Chính phủ quyết định đưa mức tăng trưởng tín dụng chung lên 15-17% vì theo tính toán, như thế mới phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% và mới có điều kiện đưa lạm phát về một con số. Tín dụng ngân hàng (NH) sẽ vẫn ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng có mở rộng thêm các đối tượng, đặc biệt xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, đưa công nghệ cao vào để nâng hiệu quả trong hoạt động nông nghiệp, xây dựng các kho bãi như các kho đông lạnh để đảm bảo tích trữ phục vụ việc dự trữ cũng vừa đảm bảo giữ giá bán thuận lợi nhất, ở mức hợp lý nhất. Lĩnh vực thứ 2 được ưu tiên tín dụng vẫn là xuất khẩu; lĩnh vực thứ 3 sẽ là sản xuất công nghiệp phụ trợ để phát triển công nghiệp trong nước; lĩnh vực thứ 4 là dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Với bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi sẽ có quy định tỷ lệ nhất định với các tổ chức tín dụng, khác nhau với từng tổ chức để phù hợp với điều kiện hoạt động cũng như tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng đó”, ông Bình khẳng định. Ông cũng cho hay NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán để giúp cải thiện phần nào tình hình thị trường chứng khoán trong năm tới.

* Năm 2011, nhiều ý kiến phản ánh về việc chấp hành kỷ cương trong hệ thống NH như chuyện lãi suất vượt trần 14%, tỷ giá niêm yết một đằng, giao dịch một nẻo. Thống đốc sẽ xử lý việc này như thế nào trong năm tới?

Kỷ cương thị trường là vấn đề trọng yếu trong hệ thống NH cũng như thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam nói chung trong thời gian qua. Năm vừa rồi chúng tôi đã đi được một bước trong việc củng cố và chấn chỉnh vấn đề này. Với kết quả ban đầu cộng với những nỗ lực và hoàn thiện khung pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để việc tuân thủ kỷ cương thị trường trong năm tới sẽ tốt hơn. Cũng có một yếu tố mà chúng tôi cho rằng từ kết quả, kinh nghiệm của năm 2011 cho thấy, nếu làm cho tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH không nóng nữa thì cạnh tranh bớt căng thẳng đi, từ đó sẽ bớt những hoạt động không lành mạnh, cũng sẽ góp phần điều tiết thị trường trong thời gian tới. Nhìn chung kỷ cương, kỷ luật sẽ được siết để đạt kết quả lớn hơn trong năm tới.

''Với bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi sẽ có quy định tỷ lệ nhất định với các tổ chức tín dụng, khác nhau với từng tổ chức để phù hợp với điều kiện hoạt động cũng như tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng đó'' - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình
Chúng tôi cũng mong muốn năm 2012, riêng thị trường vàng sẽ có bước tiến hết sức cơ bản để làm sao ổn định được thị trường này và cũng là bước đầu trong lộ trình 5 năm tiến tới việc chống “đô la hóa” và hạn chế chi tiêu tiền mặt.

* Vừa qua để ổn định thị trường vàng, chúng ta đã tiến hành bán vàng bình ổn và tiến tới thống nhất một thương hiệu vàng miếng do NHNN nắm giữ. Sau một thời gian thu hẹp được khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, vì sao hiện giờ khoảng cách này lại tăng cao?

Biện pháp trên là bước đầu để tạo ra một hình hài cho việc điều hành trong thời gian tới. Chúng tôi còn phải ban hành ít nhất 2 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, trong đó có Nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng. Đây là vấn đvề đã được chúng ta đề ra trong năm vừa qua nhưng đến nay cũng vẫn chưa ban hành được. Thời gian tới, Chính phủ ban hành nghị định này nữa thì sẽ có thêm công cụ quan trọng để bình ổn thị trường vàng. Sau đó, NHNN sẽ xây dựng và ban hành quy chế về huy động vàng trong nền kinh tế.

Nhiệm vụ trong điều hành chính sách tiền tệ năm tới là làm sao giảm được mặt bằng lãi suất - Ảnh: D.Đ.M

Chúng tôi cho rằng với 3 công cụ là Nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng, Nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này (Nghị định 95 đã ban hành) cộng với quy chế huy động vàng sẽ là điểm quan trọng góp phần bình ổn thị trường vàng. Còn vừa qua chúng ta mới thử nghiệm cơ chế này, dùng đúng lực lượng của thị trường để thử nghiệm nên ta thấy nó có kết quả, nhưng vì đây là dùng lực lượng thị trường nên chưa thể đi vào nền nếp và cuộc sống như mong muốn.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên