Minh bạch nợ công: Cần có một cái nhìn toàn diện

Cập nhật 13/12/2011 11:30


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Quản lý vay, nợ công như thế nào nhằm đảm bảo huy động được nguồn vốn với chi phí hợp lý, giảm thiểu rủi ro, sử dụng hiệu quả, minh bạch và sau cùng là tránh việc xảy ra khủng hoảng nợ cũng như không để gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai của chúng ta là bài toán không hề đơn giản.

Gánh nặng không thể lơ là


Không thể phủ nhận, công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và tài trợ cho bội chi ngân sách nhà nước (khoản vay của chính phủ chiếm khoảng 17%/ tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bù đắp thâm hụt ngân sách khoảng 5%/GDP).

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2010 tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 57,3%; trong đó nợ chính phủ chiếm 45,7% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 11,3% và nợ chính quyền địa phương chiếm 0,3%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia cũng chiếm 42,2% GDP.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định nợ công Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, do cơ cấu nợ công của Việt Nam chủ yếu là vốn vay ODA với nhiều ưu đãi, thời hạn trả nợ kéo dài trong nhiều năm với lãi suất thấp.

Ngoài ra, điểm khác biệt của nợ công của Việt Nam là Chính phủ đi vay để cho vay lại, vay để đầu tư phát triển. Hàng năm tổng chi phí trả nợ cả gốc và lãi là 15%/tổng thu ngân sách (ngân sách chi trả 13,5%, số còn lại do các dự án và các nhà đầu tư phải trả 1,5%). Con số này, nếu so với ngưỡng thế giới 30% là khá thấp.

Tuy nhiên, nợ công và quản lý nợ công là vấn đề hệ trọng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang lan rộng và ngày càng nặng nề ở châu Âu như hiện nay, chúng ta không thể coi nhẹ và lơ là trong điều hành nền kinh tế.

Với số liệu về nợ công như trên cộng với nhu cầu vay vốn ngày càng tăng và những khó khăn của nền kinh tế trong những năm gần đây và hiện nay, theo ý kiến đánh giá của nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, thì nợ công và vấn đề quản lý nợ công ở nước ta cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro và tránh sự đổ vỡ.

Cụ thể, về cơ cấu, nợ công của chúng ta còn quá phụ thuộc vào nợ ngoài nước, tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP khá cao (42,2%); việc huy động vốn ODA mặc dù có ưu đãi nhưng chưa chủ động, nhiều khoản vay ODA còn gắn với nhiều điều kiện ràng buộc từ phía nhà tài trợ làm tăng chi phí.

Mặt khác, thị trường nợ (trái phiếu) trong nước chưa phát triển dẫn đến việc huy động vốn trong nước còn khó khăn và chưa bền vững. Việc phân bổ vốn vay chưa tập trung, hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao, chưa được quản lý giám sát chặt chẽ.

Các chỉ số nợ vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đặc biệt là các chỉ số về rủi ro chưa có độ tin cậy cao; rủi ro tín dụng chưa được phản ánh đầy đủ trong chi phí cho vay lại và phí bảo lãnh của Chính phủ.

Thêm vào đó, cơ chế cảnh báo sớm còn hạn chế, mà cụ thể là hệ thống thông tin, số liệu, báo cáo và minh bạch thông tin về nợ công chưa đảm bảo tính đầy đủ và cập nhật theo tiêu chuẩn quốc (hiện nay, mới phát hành bản tin nợ nước ngoài 6 tháng 1 lần mà chưa có bản tin đầy đủ cả nợ trong nước và với tần suất dày hơn).

Đó là chưa kể việc phát triển và ứng dụng các công cụ quản lý nợ, đặc biệt là quản lý rủi ro như rủi ro tiền tệ (rủi ro tỷ giá), rủi ro về lãi suất, rủi ro tín nhiệm quốc gia cũng chưa được thực hiện.

Trong khi đó thì việc tổ chức quản lý, phân công chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan, mặc dù Luật đã quy định khá rõ nhưng trong triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc (quyền hạn quản lý của các cơ quan còn chồng chéo nhau); nguồn nhân lực quản lý nợ còn hạn chế, chưa cập nhật với trình độ quốc tế...

Phải kiểm toán theo chuẩn

Trên thực tế, trong những năm gần đây, việc kiểm toán nợ công của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đã được thực hiện cùng với cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm ở mức độ nhất định.

Kết quả kiểm toán đã bước đầu chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý nợ công và có khuyến nghị với cơ quan quản lý khắc phục. Tuy nhiên, việc kiểm toán chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế và khó khăn. Kết quả kiểm toán chưa bao quát được hết các vấn đề, chu kỳ và yếu tố trong quản lý nợ công do nhiều nguyên nhân như nguồn nhân lực, cách tiếp cận kiểm toán, phương pháp...

Đứng trước yêu cầu mới và thực trạng về quản lý nợ công, việc kiểm toán nợ công được xác định có vị trí quan trọng và đồng thời cũng là thách thức trong hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian tới. Vì vậy, hoạt động kiểm toán nợ công cần có sự thay đổi và có cách tiếp cận mới để từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế từ khâu lập kế hoạch, thực hiện và báo cáo kiểm toán về nợ công.

Vấn đề đặt ra trong thời gian trước mắt ở đây là xác định vấn đề cần ưu tiên kiểm toán, loại hình kiểm toán phù hợp với thực tiễn mô hình quản lý nợ công Việt Nam, vì hoạt động quản lý nợ công là khá rộng, trong khi đó nguồn lực kiểm toán còn hạn chế.

Hoạt động quản lý nợ công bao gồm nhiều nội dung, vấn đề mà kiểm toán cần phải xem xét lựa chọn, trong đó có các chủ đề cần kiểm toán chủ yếu như: kiểm toán khuôn khổ pháp lý và quy định của pháp luật; kiểm toán tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ trong quản lý nợ công; kiểm toán việc xác định nhu cầu vay nợ công; kiểm toán chiến lược quản lý nợ công; kiểm toán các hoạt động vay nợ; kiểm toán hệ thống thông tin, báo cáo về nợ công; kiểm toán việc trả nợ; kiểm toán các báo cáo nợ và tính minh bạch; kiểm toán vấn đề bảo lãnh các khoản vay...

Với cách tiếp cận kiểm toán hợp lý và việc triển khai thực hiện đúng các chuẩn mực và hướng dẫn kiểm toán được cấp nhận, các báo cáo kiểm toán về nợ công có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và do đó, sẽ có đóng góp đáng kể để cải thiện quá trình quản lý nợ công.

Kết quả kiểm toán của KTNN có thể tăng cường tính minh bạch nợ công và trách nhiệm giải trình bằng cách kiểm tra việc thực hiện các quy định về báo cáo nợ công; tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ của chương trình quản lý nợ công, làm giảm nguy cơ gian lận và tham nhũng...

Trước mắt, KTNN cần ưu tiên và tập trung kiểm toán tài chính nhằm xác nhận tính đúng đắn, đầy đủ và kịp thời của các thông tin, số liệu về nợ công để tăng cường tính minh bạch và kiểm toán tuân thủ nhằm đánh giá tính tuân thủ pháp luật của quản lý và sử dụng nợ công.

Về tổng thể và dài hạn, nhằm giải trình trách nhiệm cho các bên liên quan trong quá trình quản lý, đảm bảo cung cấp thông tin công khai, minh bạch, tin cậy, kịp thời cho các bên liên quan, kiểm toán hoạt động quản lý nợ công như là một trong các loại hình kiểm toán chủ yếu cũng như kiểm toán hoạt động đối với việc sử dụng nguồn vốn vay từ nợ công tại các đơn vị, dự án nhằm đánh giá và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực, kinh tế của quản lý và sử dụng nợ công.

Việc kiểm toán nợ công cũng nên được thực hiện một cách độc lập (cuộc kiểm toán độc lập) và toàn diện với cả 3 loại hình kiểm toán đối với tất cả các khâu của quá trình quản lý nợ công từ lúc xác định nhu cầu vay, đàm phán, ký kết hiệp định, giải ngân, trả nợ… cho đến lập báo cáo nợ công.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+