Một loạt ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo là bất động sản giá trị hàng ngàn tỉ đồng.
Những ngày qua nóng lên chuyện Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng (NH) thương mại đồng loạt rao bán nợ xấu, chủ yếu là bất động sản (BĐS) với giá trị tài sản lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Việc tăng tốc bán nợ xấu nhờ vào tính chất pháp lý bán tài sản đảm bảo đã thông thoáng hơn, cùng với đó là bệ đỡ thị trường BĐS đang hồi phục. Tuy vậy, việc bán nợ xấu vẫn không hề suôn sẻ.
Dồn dập bán tài sản khủng
NH Sacombank vừa rao bán hàng loạt khu đất, dự án BĐS trị giá lên tới hơn 20.000 tỉ đồng. Nổi bật nhất là dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, có diện tích lên đến 134 ha với giá khởi điểm 7.600 tỉ đồng. Kế đến là dự án khu dân cư Bình Trị Đông được rao bán với giá khởi điểm 6.698 tỉ đồng; dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM có giá chào bán 1.815 tỉ đồng; dự án khu dân cư phường Bình Thủy ở TP Cần Thơ giá 4.565 tỉ đồng.
Ngoài ra, NH này cũng rao bán nhiều khu đất có giá trị cao tại trung tâm TP.HCM. Tiêu biểu như lô 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 với diện tích khoảng 800 m2, giá khởi điểm lên tới 811 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ đồng/m2.
Không đứng ngoài cuộc, trong cuộc đua bán nợ xấu, NH Agribank đã cùng với VAMC đẩy mạnh đấu giá, phát mại các dự án BĐS là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại NH. Ngay trong tháng 9 này, hai đơn vị này sẽ mở hơn 10 cuộc đấu giá với tổng giá trị chào bán khởi điểm lên đến 470 tỉ đồng.
Trong đó có nhiều tài sản có giá trị như quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM với giá khởi điểm 96,23 tỉ đồng; đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Liên doanh Life Pro Việt Nam bao gồm toàn bộ nguyên phụ liệu, máy móc, công trình với giá khởi điểm là 257,4 tỉ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, các NH đang tận dụng rất tốt thời điểm thị trường BĐS đang hồi phục để đẩy mạnh bán các tài sản đảm bảo bằng BĐS. Qua đó, một mặt tính thanh khoản gia tăng, mặt khác sẽ được giá cao hơn.
“Ngoài ra, việc giải phóng được các khoản nợ xấu giúp NH hoàn nhập các khoản dự phòng, giúp lợi nhuận gia tăng. Từ đó giúp các NH ghi điểm trước đại hội cổ đông thường niên sắp đến và dễ được các cổ đông thông qua các kế hoạch kinh doanh trọng yếu” - ông Hiển phân tích.
VAMC rao bán dự án Saigon One Tower (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) với giá hơn 6.000 tỉ đồng. Hiện dự án mới chỉ xong một phần thô và ngưng xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp. Ảnh: PM
|
Sẽ xử lý 140.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua
VAMC vừa cho biết trong năm nay sẽ xử lý 35.504 tỉ đồng nợ xấu và đến năm 2022 sẽ xử lý tối thiểu 140.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua. Các khoản nợ xấu hiện nay thường có kèm theo tài sản đảm bảo là BĐS.
Chủ đầu tư ban đầu khi triển khai dự án đến nay đã không còn nguồn lực để duy trì mới phát sinh nợ xấu. Với các tài sản này, nếu không thu giữ, không phát mại để chuyển cho chủ đầu tư mới thì tất cả tài sản sẽ nằm im, không có tiền để triển khai tiếp, gây lãng phí nguồn lực. Do vậy, các NH là chủ nợ sẽ đứng ra thu giữ, phát mại để thu hồi vốn rồi tiếp tục tái đầu tư.
Theo NH Nhà nước, đến cuối tháng 6-2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.