Lượng kiều hối về tăng mạnh

Cập nhật 01/10/2012 09:20

Dù kênh thu hút kiều hối là bất động sản, chứng khoán chưa khởi sắc nhưng kiều hối chuyển về vẫn tăng. Tính riêng TP.HCM, kiều hối chuyển về chín tháng đạt 2,8 tỉ USD, bằng gần 81,5% so với cả năm 2011.

Còn theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, sáu tháng đầu năm kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt hơn 6,3 tỉ USD, bằng 70% so với cả năm 2011.

"Hiện thời gian chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam chỉ còn vài giây, đầu bên Mỹ gửi, phía Việt Nam nhận được ngay lập tức do kết nối thông suốt trong hệ thống thay vì phải qua nhiều khâu trung gian như trước đây"

Bà PHẠM THÚY NGA (trưởng phòng chính sách và sản phẩm, Ngân hàng Vietcombank)
Lãnh đạo Công ty kiều hối Sacomrex cho biết tính đến hết tháng 8, lượng kiều hối chuyển về qua công ty đạt 1,2 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011 dù chưa vào mùa “rộ” của kiều hối. “Sau năm 2008 đến nay, món tiền gửi mang tính chất đầu tư ít dần, thay vào đó là các khoản mang tính chất trợ cấp sinh hoạt, dao động từ 400-500 USD/món” - lãnh đạo Sacomrex nói. Thị trường kiều hối chính của công ty vẫn là Mỹ, Úc và một số thị trường xuất khẩu lao động có mức lương tương đối hấp dẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Trịnh Hoài Nam, phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, cho biết doanh số kiều hối trong tám tháng đầu năm đã vượt qua con số 1 tỉ USD. Ông Nam đánh giá như vậy là thành công vì ở “đầu gửi” kinh tế vẫn còn khó khăn. Mặt khác, các kênh đầu tư hút vốn kiều hối chưa khởi sắc. “Số lần gửi vẫn duy trì nhưng món gửi giảm dần, trước kia phổ biến 600-700 USD/món, còn hiện nay dao động từ 300-500 USD” - ông Nam nói.

Theo các công ty kiều hối, tiền chuyển về Việt Nam thời gian qua chủ yếu chảy về khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi có nhiều lao động xuất khẩu. Trước đây, chủ yếu tiền gửi về để thăm hỏi người thân, nhưng hiện nay nhiều người còn gửi tiền về để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển...

Ở Đài Loan, Hàn Quốc, kiều hối chảy về từ cả hai nguồn là người định cư và lực lượng xuất khẩu lao động. Tuy chưa thể so sánh với các thị trường truyền thống nhưng đóng góp từ lực lượng xuất khẩu lao động ngày càng quan trọng. Ông Trịnh Hoài Nam dự đoán nếu khai thác tốt thì doanh số chuyển tiền kiều hối cả năm 2012 của công ty sẽ đạt khoảng 1,4-1,5 tỉ USD.

Ngoài ra, theo các công ty, kiều hối còn gia tăng nhờ vào một bộ phận gửi ngoại tệ, chủ yếu là USD về Việt Nam đổi ra tiền Việt gửi tiết kiệm để hưởng chênh lệch lãi suất. “So với năm trước lãi suất huy động tiền Việt đã giảm nhưng bù lại tỉ giá ổn định, do vậy chênh lệch lãi suất tính ra vẫn hấp dẫn” - giám đốc một công ty kiều hối nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ