Lộ trình 'nắn' tín dụng

Cập nhật 23/11/2019 08:00

Với lộ trình cắt giảm vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, dòng tín dụng đổ vào bất động sản sẽ được "siết" mạnh hơn.

Siết nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình mới - Ảnh: Ngọc Thắng

Cắt giảm vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã ban hành Thông tư 22/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Nhà điều hành đã đưa ra lộ trình cắt giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn áp dụng từ ngày 1.1 - 30.9.2020 là 40%; 1.10.2020 - 30.9.2021 là 37%; 1.10.2021 - 30.9.2022 còn 34% và từ ngày 1.10.2022 còn 30%. Như vậy, các nhà băng sẽ phải thực hiện cắt giảm dòng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 3 - 10% so với hiện nay đang áp dụng 40% (trước ngày 1.1.2019 tỷ lệ này là 45%).

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết hiện nay có 14 NH có trụ sở trên địa bàn thành phố đều đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 40%. Các NH gần như không dám vượt rào quy định này bởi khi bị phát hiện, NHNN sẽ thực hiện phạt vi phạm hành chính và NH sẽ không được phát triển mạng lưới, nhân sự... trong thời gian tới.

Do đó, để cho vay trung dài hạn, các NH chỉ còn cách tăng huy động nguồn vốn này lên. So với đầu năm, tỷ lệ huy động vốn trung dài hạn của các NH tăng khoảng 4%, chiếm 22% tổng vốn huy động. Riêng đối với vốn cho vay trung dài hạn hiện chiếm tỷ trọng 53% tổng dư nợ, trong đó dư nợ đối với bất động sản chiếm 12%, tương ứng khoảng 150.000 tỉ đồng.

Số liệu của NHNN tính đến cuối tháng 8, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của cả hệ thống NH trên toàn quốc ở mức 27,61%, trong đó các NH thương mại cổ phần ở mức 30,91%, NH thương mại nhà nước ở mức 30,61%, các công ty tài chính và cho thuê tài chính ở mức 36,75%... So với mức quy định về dưới 37% vào cuối tháng 9.2020 xem ra không mấy khó khăn đối với NH. Thế nhưng trong Thông tư 22 lại quy định giảm tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của các NH ở mức tối đa 85% trong khi quy định hiện nay, tỷ lệ này ở nhóm NH thương mại nhà nước là 90%; NH thương mại cổ phần, liên doanh, nước ngoài là 80%.

Như vậy, nhóm NH thương mại nhà nước sẽ phải điều chỉnh giảm tỷ lệ tín dụng trên tổng huy động xuống 5%, ngược lại NH thương mại cổ phần tăng lên 5%. Con số thực tế được NHNN công bố vào cuối tháng 9, tỷ lệ cấp này của các NH thương mại nhà nước đang ở mức 91,47%, còn NH thương mại cổ phần hiện đang sát 85%. Việc điều chỉnh thống nhất tỷ lệ cấp tín dụng/tổng huy động, theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn HĐQT NH TMCP Quốc Dân (NCB) là hợp lý.

Tất cả các NH đều phải thực hiện một tỷ lệ mà không phân biệt là NH có tỷ lệ vốn nhà nước hay cổ phần tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ cấp tín dụng của khối NH thương mại nhà nước đang chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng dư nợ nên việc giảm hạn mức 6% tín dụng của khối này sẽ tác động đến dòng vốn ra thị trường. Điều này cũng tốt bởi các NH cân nhắc lựa chọn dự án cho vay hiệu quả hơn.

Bất động sản tăng bị “siết”

Thực tế, việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tác động nhiều nhất có lẽ là các doanh nghiệp bất động sản do thời gian triển khai dự án kéo dài, nhu cầu vốn lại lớn. Từ nhiều năm nay, ngành NH luôn cảnh báo hạn chế mở van vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản và càng siết hơn với những quy định tại Thông tư 22.

Theo đó, NHNN tăng tỷ lệ hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản lên 200%; các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỉ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 31.12.2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1.1.2021.

Tất nhiên khi tăng tỷ lệ rủi ro, lãi suất mà NH cho khách hàng vay sẽ tăng lên bởi phía NH cũng phải chịu bất lợi là tăng vốn tự có đảm bảo an toàn. Nhưng điều này cho thấy, các quy định an toàn hệ thống NH hiện đang đi dần đến với những tiêu chuẩn quốc tế.

Số liệu từ NHNN tính đến tháng 8.2019 cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế; khá cao so với các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%...
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên