Làm gì để khôi phục thị trường bất động sản?

Cập nhật 15/07/2014 14:47

Thị trường bất động sản có thể phục hồi rõ nét trong năm 2015 với điều kiện Chính phủ phải tăng cường xử lý nhanh nợ xấu, tạo ra luồng giao dịch cho các sản phẩm bất động sản có giá trị thấp.

Hiện nay, rất nhiều dự án bất động sản có giá trị hàng trăm tỉ đồng đang chậm triển khai. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng

Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại buổi đối thoại “Bất động sản - cơ hội cho nhà đầu tư” diễn ra tại TPHCM cuối tuần trước.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, trước tiên cần thống kê chính xác tình hình nợ xấu do đầu tư bất động sản gây ra và có hướng giải quyết nhanh chóng, phù hợp.

Cuối tháng 5-2015, Bộ Xây dựng công bố tổng dư nợ cho vay bất động sản là 277.000 tỉ đồng; nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trên cơ sở tập hợp các thống kê của các ngân hàng thương mại (NHTM) là khoảng 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nếu tổng cho vay bất động sản vào khoảng 241.000 tỉ đồng thì tổng nợ xấu thì phải gấp nhiều lần con số mà NHNN công bố. “Một “đại gia” bất động sản cũng có thể nợ gấp ba lần con số 10.000 tỉ đồng”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, tình trạng nợ xấu bất động sản đang làm cho nguồn lực tài chính của các NHTM giảm đến 50% so với vài năm trước đây. Tỷ lệ lãi ròng trên vốn chủ sở hữu của các NHTM hiện chỉ còn 5-6% so với thời đỉnh cao là 15%, còn tỷ lệ lãi ròng trên tổng tài sản đã giảm từ 1,1% xuống còn 0,4%. Từ đó, ông Nghĩa cho rằng, việc trích lập dự phòng rủi ro từ các NHTM là rất khó khăn dẫn đến khả năng xử lý nợ rất thấp.

Ngoài ra, ông Nghĩa nhận định, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện đang vướng nhiều thủ tục hành chính và bị hạn chế về quyền lực trong mua bán nợ xấu. Từ đó, VAMC chỉ lựa chọn những bộ hồ sơ “không tì vết” vốn là những hồ sơ mà các NHTM có thể xử lý nhanh gọn hơn cả VAMC.

Bên cạnh đó, VAMC không có đủ quyền lực để thiết lập ngay lập tức chủ quyền của người mua nợ mà phải mất rất nhiều thời gian, cá biệt có trường hợp kéo dài đến hai năm. Các nhà đầu tư nước ngoài không đủ kiên nhẫn để chờ đợi mặc dù nhiều người, nhiều tổ chức có đủ tiềm lực tài chính để mua lại các món nợ vài chục ngàn tỉ đồng.

Để tháo gỡ vấn đề nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế nói chung, cho thị trường bất động sản nói riêng, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ cần quyết liệt trong giải pháp mua bán nợ xấu thì mới có thể hy vọng được thấy sự khởi sắc thị trường bất động sản trong năm tới.

Cụ thể, theo ông Nghĩa, Chính phủ cần tăng thêm quyền lực cho VAMC cũng như dự trù một nguồn tài chính “tiền tươi thóc thật”. “Nếu chỉ dựa vào trái phiếu đặc biệt của VAMC với mức trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm thì khó có thể xử lý được nợ xấu”, ông Nghĩa nói.

Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì lạc quan hơn khi cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang có những tín hiệu tốt.

Theo ông Chung, luồng tiền ngân hàng vào thị trường bất động sản đã tăng hơn 30% so với những năm trước đó, từ 200.000 tỉ đồng lên 268.000 tỉ đồng, cùng với luồng tiền trong dân, từ kiều hối… đã quay lại bất động sản, nhiều dự án bỏ hoang đã tái khởi động lại.

Ông Chung khẳng định, các ngân hàng hiện nay không “đóng băng” bất động sản mà đang có những dấu hiệu cho thấy, cho vay bất động sản đang tiến triển tích cực, lãi suất có xu hướng giảm.

Ngoài ra, nguồn tiền FDI đổ vào bất động sản trong nửa năm đầu 2014 đã có những dấu hiệu khả quan hơn các năm 2012, 2013. Cùng với  việc hạn chế phát triển các dự án mới thì các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực vào thị trường Việt Nam để mua lại các dự án bất động sản đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Chung, các dự án bất động sản cao cấp có giá trị vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng vẫn đang bế tắc, cần phải tạo ra luồng giao dịch cho các dự án có giá trị thấp mới tạo ra lối thoát cho thị trường bất động sản hiện nay.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG