Lãi suất lại dậy sóng?

Cập nhật 18/05/2017 10:32

Thông tin từ các công ty chứng khoán, tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm thêm 7.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở, trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 31.000 tỷ đồng.

Như vậy, NHNN đã hút ròng 24.000 tỷ đồng qua kênh này. Dù vậy, nhiều yếu tố như lãi suất huy động tăng, kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng… sẽ gây áp lực lớn cho lãi suất trong thời gian tới.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài lập đỉnh mới

Ngoài những động thái trên, NHNN cũng không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm đáng kể những phiên gần đây.

Đến ngày 11-5, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm thêm 0,02 - 0,16 điểm %; lãi suất qua đêm cũng lùi về còn 4,56%/năm sau khi neo quanh 5%/năm trước đó.

Theo các chuyên gia trong ngành, NHNN thường sử dụng công cụ tín phiếu, phát hành để hút bớt tiền trong hệ thống về khi có biểu hiện thừa; sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, cho vay cầm cố để bơm tiền ra hỗ trợ hệ thống khi có biểu hiện khó khăn thanh khoản cục bộ.
Như vậy, diễn biến trên cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dần trở về trạng thái dư thừa, sau quý đầu năm 2017, NHNN liên tục phải duy trì lượng vốn hỗ trợ thanh khoản hệ thống với quy mô 27.000 - 30.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố nói trên.


Lãi suất huy động dài hạn được các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh trên 8%/năm để hút vốn. Ảnh: Huy Anh

Mặc dù tín dụng có biểu hiện dư thừa, nhưng hiện lãi suất huy động kỳ hạn dài của một số ngân hàng vẫn tiếp tục “lập đỉnh” mới, lên đến 8,4%/năm! Ghi nhận trên thị trường cho thấy, sau khi “neo” ở mức cao trên thị trường là 8%/năm ở kỳ hạn 6 - 11 tháng, đầu tháng 4, Ngân hàng CB đã tăng lãi suất tiết kiệm từ 12 tháng lên 8,2%/năm và hiện nay, không ít khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này đã được tăng lên đến mức 8,4%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng.

Tương tự, từ ngày 8-5, Ngân hàng Bản Việt cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới lên 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. VietBank đã tăng thêm 0,1% lên đến 8%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm online với số tiền gửi tối thiểu 500.000 đồng tương ứng với các kỳ hạn từ 1 tuần đến 36 tháng…

Áp lực tăng lãi suất lớn

Lý giải việc tăng lãi suất, báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong tháng 4, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khó khăn cục bộ. Biểu hiện ở lãi suất liên ngân hàng tuy đã giảm 0,1 - 0,2 điểm % so với cuối tháng 3-2016 nhưng vẫn ở mức khá cao.

Trên thị trường mở, NHNN bơm ròng hỗ trợ thanh khoản chủ yếu qua kênh cầm cố. Nguyên nhân biến động trong những tháng đầu năm chủ yếu là nhu cầu tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm.

Tính đến hết tháng 4-2017, tín dụng toàn ngành đã tăng khoảng 5,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, trong khi tốc độ tăng của huy động đạt khoảng 3,7%.

Cơ quan này cũng phân tích thêm: thanh khoản hệ thống luôn có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn nên diễn ra hiện tượng một số ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn bằng cách nâng lãi suất huy động. Chênh lệch lãi suất huy động giữa hai nhóm ngân hàng này hiện khoảng 0,5%/năm.

Các ngân hàng nhỏ có chi phí vốn cao nên khó giảm được lãi suất cho vay, nhưng những ngân hàng lớn vẫn có khả năng giảm lãi suất cho vay vì họ không gặp nhiều áp lực trong việc huy động vốn nên lãi suất huy động tương đối thấp. Mặc dù vậy, việc ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016 do kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng; nợ xấu chưa được xử lý triệt để; các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo tuân thủ Thông tư 06/2016 của NHNN

      NGUYỄN TRÍ HIẾU (Chuyên gia tài chính ngân hàng)
 

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cũng nhận định, một trong những yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua, đó là các ngân hàng phải chuẩn bị tốt thanh khoản để đáp ứng cầu tín dụng đang dần cải thiện từ đầu năm đến nay.

Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM 4 tháng đầu năm 2017 đạt trên 6%/năm, tăng trên 21% so với cùng kỳ năm trước nên các ngân hàng phải có sự chuẩn bị để đón đầu nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Cùng với đó là nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn của một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cao nhằm đáp ứng quy định tại Thông tư 06/2016 của NHNN.

Cụ thể, trong năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng giảm từ 60% xuống còn 50% nên việc ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài ở mức cao là không có gì khó hiểu.

“Diễn biến điều chỉnh tăng này là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, cũng như sử dụng vốn cho phù hợp với diễn biến thị trường, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, ông Minh cho hay.

Trước áp lực lãi suất huy động tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay khó có khả năng giảm từ bây giờ tới cuối năm. Thực tế cho thấy, động thái tăng lãi suất của một số ngân hàng còn xuất phát từ kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất USD trong thời gian tới.

Giá hàng hóa cơ bản dự báo tăng trở lại nên các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ vẫn “khát” vốn trung và dài hạn, nên cần chủ động hút vốn để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng cả năm 2017.

Ông Cù Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ABBank cho rằng, lãi suất khó có thể quay về mức thấp như trước đây vì các ngân hàng cần cải thiện chỉ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình của NHNN, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực trước bài toán thanh khoản khi thời điểm áp dụng Basel II đang tới gần.

Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, với áp lực lạm phát tăng lên, nhu cầu tín dụng gia tăng theo đà phục hồi kinh tế, trong khi sự phục hồi cán cân vãng lai chưa vững chắc, dòng vốn FDI có diễn biến khả quan nhưng có những yếu tố bất định… nên áp lực tăng lãi suất từ nay đến cuối năm rất lớn. Nhiệm vụ đặt ra của ngành ngân hàng mà chính phủ đề ra là giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó thực hiện.



DiaOcOnline.vn - Theo SGGP