Lãi suất huy động còn 14%/năm

Cập nhật 09/09/2011 10:15

Ngày 8-9, nhiều ngân hàng (NH) đã đồng loạt rút lãi suất (LS) huy động về 14%/năm sau khi NH Nhà nước ban hành chỉ thị 02 kiên quyết xử lý NH huy động vượt trần.

Các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động theo mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định - Ảnh: Thanh Đạm

Nhân viên một NH cổ phần chi nhánh Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết từ 14g chiều 7-9 LS huy động cao nhất chỉ còn 14%/năm áp dụng cho tất cả kỳ hạn, ngoài ra không còn hình thức khuyến mãi khác.

Trong khi đó tại chi nhánh một NH cổ phần lớn, LS được giảm từ mức 18,5%/năm trước đó còn 14%/năm. Nếu gửi trên 100 triệu đồng sẽ được nhận quà tặng là mũ bảo hiểm, áo mưa. Nhiều NH còn thận trọng rút hết các chương trình khuyến mãi tặng quà trước đó, trường hợp có duy trì khuyến mãi thì NH sẽ áp dụng mức LS huy động thấp hơn mức trần để không vi phạm quy định của NH Nhà nước.

Nhiều NH cho biết theo thói quen, nhiều khách hàng đến gửi tiết kiệm vẫn yêu cầu được khuyến mãi hoặc tặng thêm LS, do vậy nhân viên NH phải giải thích về chủ trương mới để khách hàng hiểu. Có NH còn niêm yết thông tư quy định trần LS của NH Nhà nước ngay tại quầy giao dịch như một hình thức thông báo không thỏa thuận LS.

Tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1 cho rằng nếu tất cả NH đều nghiêm chỉnh chấp hành trần LS thì khách hàng sẽ không có nhiều lựa chọn, NH không lo “tiền chạy”. Tuy nhiên, ông cho rằng NH Nhà nước nên có thêm hỗ trợ cho các NH vì nếu cùng áp dụng một mức LS như hiện nay, chắc chắn NH lớn sẽ có nhiều ưu thế hơn, việc huy động vốn của NH nhỏ vẫn sẽ gặp khó khăn. Thực tế ngày 8-9 dù từ chối thỏa thuận LS với khách hàng, nhiều NH vẫn ghi lại số điện thoại và hứa “nếu có chương trình khuyến mãi sẽ gọi thông báo”.

Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT Sacombank, cho rằng thời cơ đã chín muồi để hạ LS huy động nhằm tiến đến giảm LS cho vay. Thực tế thời điểm này NH muốn giữ LS cao cũng không được, vì không doanh nghiệp (DN) nào chịu được LS cho vay trên 20%/năm. Ngay trong chiều 8-9, Sacombank đã dành 2.000 tỉ đồng để cho vay đến các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp - phát triển nông thôn trên toàn hệ thống với LS ưu đãi 17-19%/năm, thời gian triển khai từ ngày 8-9 đến 31-12. Mục đích của chương trình nhằm hỗ trợ nguồn vốn ổn định cho DN để tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2011. Thời gian sắp tới, NH sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách ưu đãi mới dành cho các đối tượng DN khác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

NH Hàng hải giảm LS cho vay với DN sản xuất. Theo đó, LS cho vay ngắn hạn bằng VND đối với DN sản xuất tối thiểu 17,5%/năm, tối đa 19%/năm; đối với các khoản vay trung - dài hạn là 18,5%/năm và 20%/năm; lãi suất chiết khấu USD giảm còn 8%/năm.

Sau thông điệp giảm LS, BIDV tiếp tục phát đi thông báo tới đây sẽ ưu tiên cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; khách hàng là DN nhỏ và vừa, có đầu ra ổn định, nguồn thu chắc chắn, có năng lực tài chính tốt, có tài sản đảm bảo.


Vẫn nóng

Ngày 8-9, một ngày sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước có chỉ thị về xử lý lãnh đạo NH huy động vượt trần lãi suất, đã có diễn biến mới, độ nóng của lãi suất huy động chuyển từ giữa NH với người gửi tiền sang giữa NH với NH.

Đầu giờ sáng 8-9, NH không còn thương lượng lãi suất với người gửi tiền, những NH còn theo thói quen cũ đều bị NH Nhà nước cảnh cáo ngay sau đó. Vì thế những NH cần vốn nhưng không huy động được của dân chỉ còn trông vào nguồn vay từ các NH bạn.

Khoảng 9g cùng ngày, lãi suất cho vay giữa NH với nhau được cập nhật. NH thừa vốn đã đưa ra mức lãi suất cho vay tăng khá mạnh 17-20%/năm tùy thời hạn, trong đó kỳ hạn ngắn lãi suất cao hơn.

Một lãnh đạo NH cần vốn nói việc thực hiện nghiêm trần lãi suất khiến họ bị NH bạn ép. Nếu trước đây NH bạn đưa lãi suất 19-20% làm họ chuyển sang trả thêm ngoài trần lãi suất để huy động của dân thì nay phải vay của NH bạn. Mức lãi suất trên 17%/năm là quá cao, không ít NH cần vốn lắc đầu nhưng cũng có NH chấp nhận vay để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Có nhiều lý giải khác nhau về nguyên nhân lãi suất vay giữa các NH tăng cao. Có NH nói do một NH cổ phần có vốn nhà nước chi phối - nơi có nhiều vốn để cho NH bạn vay - đang đáo hạn khoản vay và làm lại thủ tục không còn nhiều vốn để cho vay, nên lãi suất tạm nóng. Những NH cần vốn nói họ vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn rẻ từ NH Nhà nước, từ đó những NH có vốn tận dụng việc thực hiện trần lãi suất để cho vay với lãi suất cao. Xu hướng cho vay lãi suất cao giữa các NH đã có vài ngày trước khi có chỉ thị mới về trần lãi suất huy động.

Lãi suất vay giữa các NH tăng nóng là hạt sạn khi quyết liệt giảm lãi suất cho vay. Tình trạng này cũng từng xảy ra sau những lần NH đồng thuận thực hiện trần lãi suất huy động. Vì vậy nếu để kéo dài, kịch bản cũ được lặp lại, lần này nếu các NH cần vốn không dám xé trần lãi suất huy động thì khó giảm lãi suất cho vay.

Điều thị trường kỳ vọng nhất là sự can thiệp từ NH Nhà nước, bên cạnh biện pháp hành chính (xử lý NH vượt trần) phải có giải pháp kinh tế - tạo kênh dẫn vốn linh hoạt đến các NH cần vốn - vẫn chưa thấy. Lẽ ra để tạo lòng tin cho thị trường, NH Nhà nước can thiệp sớm, ổn định lãi suất huy động không chỉ giữa các NH với người gửi tiền mà cả giữa các NH với nhau. Có thế việc giảm lãi suất cho vay mới diễn ra đều ở các NH, và những NH cần vốn cũng thoải mái chấp hành nghiêm trần lãi suất huy động.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ