Lãi suất cho vay tiêu dùng đang quá cao và cần phải áp trần?

Cập nhật 16/09/2018 09:38

Dải lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện từ 20 - 50%/năm trong khi vay thương mại là khoảng 9 - 11/năm.


Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện trung bình trong dải từ 20- 50%/năm. Cá biệt có một số khách hàng bị áp lãi suất cao hơn, là 60 - 70%, chủ yếu do việc trả nợ không đúng thời hạn nên bị phạt nợ.

Nếu so với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại thì lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính như vậy là quá cao, gấp đôi cho đến gấp 5 lần.

Việc lãi suất cao, theo chuyên gia là xuất phát từ nhiều nguyên do. Thứ nhất là bởi nguồn vốn để cho vay của các công ty không được huy động từ dân mà phải đi vay mượn từ các tổ chức. Thứ hai là các khoản vay này nhỏ lẻ, tiện lợi, nhanh chóng (thường chỉ giải quyết trong vòng 24 giờ). Ba là rủi ro cao do khoản vay hoàn toàn tín chấp, không có tài sản gì đảm bảo. Bốn là chi phí quản lý lớn.

Trên thế giới tín dụng tiêu dùng rất phát triển, trong đó tín dụng tiêu dùng ở Trung Quốc chiếm 21% trong tổng tín dụng, của ASEAN 5 là 35%...còn ở Việt Nam tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm 18% trong tổng dư nợ (bao gồm cả cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở) và lãi suất cũng cao hơn nhiều so với lãi suất thương mại. Chẳng hạn ở Mỹ lãi suất cho vay thông thường chỉ 0,25% nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng cũng từ 8 - 36%; ở Trung Quốc lãi suất khoảng 6% nhưng cho vay tiêu dùng là 10 - 40%...Lãi suất ở Việt Nam cao hơn các nước, theo TS. Cấn Văn Lực, là do rủi ro hơn và lạm phát cũng cao hơn.

Lãi suất cho vay thương mại và lãi suất cho vay tiêu dùng ở một số nước trên thế giới (nguồn: TS Cấn Văn Lực)

Trước thực trạng lãi suất hiện nay, có một số ý kiến cho rằng nên áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng, tuy nhiên chuyên gia cho rằng không nên làm vậy.

Lý do là bởi việc áp trần lãi suất rất rủi ro, tốn kém về mặt quản lý. Chẳng hạn nếu áp trần 20% như vay thương mại thì các công ty sẽ không thể cho vay được bởi không đủ trang trải về chi phí và yêu cầu lợi nhuận. Ngoài ra việc áp trần lãi suất sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế vì hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa, sinh viên các trường đại học, chưa kể lại gián tiếp thúc đẩy tín dụng đen phát triển với lãi suất cao hơn gấp đôi, gấp ba lãi tiêu dùng. Vấn đề quan trọng, theo chuyên gia, là phải quản lý tốt hoạt động cho vay để góp phần đẩy lùi tín dụng đen theo đúng định hướng mà Chính phủ đang đề ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ