Lãi suất cho vay giảm mạnh, giải ngân vẫn chậm

Cập nhật 22/06/2012 10:10

Mặt bằng lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thiết lập ở mức thấp hơn sau khi trần huy động giảm xuống còn 9%/năm. Song, để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, không hẳn là dễ dàng đối với khách hàng, nhất là với các khách hàng DN.


Kể từ khi trần lãi suất huy động giảm, không ít ngân hàng đã tung ra các gói vốn lãi suất ưu đãi, thấp hơn cả trần quy định về cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 13%/năm. Trong đó, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank, ACB, Techcombank… áp dụng lãi suất cho vay đối với DN sản xuất - kinh doanh còn trên dưới 10%/năm.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, với gói vốn 3.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 12%/năm vừa đưa ra, Ngân hàng sẽ cân nhắc những khó khăn mang tính tạm thời của DN. Nếu khả năng thanh toán của DN chỉ tạm gián đoạn do khó khăn chung của thị trường nhưng phương án kinh doanh tốt, tài chính DN về cơ bản vẫn khỏe, TienPhong Bank sẽ sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, vấn đề quản trị rủi ro vẫn được đặt lên hàng đầu và khách hàng DN phải đáp ứng các điều kiện tín dụng của TienPhong Bank đưa ra. Do đó, đến thời điểm này, con số giải ngân vẫn rất khiêm tốn.

Hay tại ABBank, ngân hàng này đang dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 12%/năm đối với khách hàng xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa mới và gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các khách hàng xuất nhập khẩu hiện hữu, với lãi suất ưu đãi 10%/năm. Bên cạnh đó, ABBank còn đưa ra chương trình tài trợ vốn bằng tiền đồng theo lãi suất USD, nhưng theo lãnh đạo Ngân hàng, tiến độ giải ngân cho các đối tượng khách hàng DN nói trên khá chậm.

Trên thực tế, nhu cầu vốn của DN hiện rất lớn, nhưng hầu hết DN đều đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao tại ngân hàng và chưa có phương án kinh doanh hiệu quả. Vì thế, khi mỗi ngân hàng đưa ra một bộ tiêu chí tín dụng khác nhau để quản trị rủi ro nợ xấu, DN rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một nhà băng, vấn đề hiện nay, không chỉ về phía ngân hàng và lãi suất mà DN cũng phải tính toán kỹ xem có vay vốn hay không, lộ trình trả nợ ra sao. Mở rộng sản xuất mà đầu ra quá khó, không có thị trường tiêu thụ thì cũng không nên sử dụng vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất mới…

Trước diễn biến của thị trường còn nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ đạt 12 - 13% so với mục tiêu đưa ra là 15 - 17%. Theo ông Thành, rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng tín dụng chính là nợ xấu. Mặc dù ngân hàng thừa vốn, nhưng cũng rất khó cho vay. Vì thế, các DN phải tự bươn trải để tồn tại phát triển, đồng thời có tầm nhìn, chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng để có thể duy trì, phát triển bền vững.

Báo cáo được đưa ra từ NHNN chi nhánh TP. HCM cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2012, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh chiếm khoảng 85% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Thành phố. Chất lượng tín dụng, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn chiếm đến 6,03% trên tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu gia tăng không chỉ gây khó khăn tài chính đối với tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đối với nền kinh tế. Tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tính đến cuối tháng 5 cũng chỉ tăng 0,02% so với cuối năm 2011.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán