Lãi suất cho vay doanh nghiệp địa ốc nên ở mức 11 - 12%/năm

Cập nhật 28/12/2012 08:47

Cùng với việc điều chỉnh trần lãi suất huy động xuống 8%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 33/2012/TT-NHNN ngày 21/12/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm; riêng Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm.

Theo NHNN, mức lãi suất cho vay 12%/năm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của Thống đốc NHNN về giảm lãi suất cho vay. Song mức lãi suất cho vay tối đa 12%/năm chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành, nghề nói trên.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thương mại và đặc biệt là kinh doanh bất động sản khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, dù trần lãi suất đầu vào tiếp tục giảm. Tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất và cung cấp mặt hàng thực phẩm tại TP.HCM cho biết, dù trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm 4 lần, từ mức 14%/năm xuống 8%/năm hiện nay, song trên thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng lại có mức giảm khiêm tốn hơn nhiều.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhà Thủ Đức cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhu cầu sử dụng vốn vay rất lớn, nhưng đây lại là lĩnh vực mà các ngân hàng hạn chế cung ứng vốn. Gần đây, các ngân hàng đã rộng cửa đối với tín dụng bất động sản, song mặt bằng lãi suất cho vay 15 - 17%/năm vẫn là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp địa ốc. “Mức lãi suất phù hợp để doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận để triển khai dự án phải từ 11 đến 12%/năm”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng: “Để các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể chịu được và sống sót, lãi vay phải về mức 10 - 11%/năm. Còn với khách hàng mua nhà để ở, thì lãi suất cho vay ở mức 8 - 9%/năm”.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, ngoài chi phí huy động 8%/năm, ngân hàng còn phải có dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung, chi phí thuê nhà, khấu hao điện, nước, lương nhân viên…, vì thế, nên lãi suất cho vay không thể giảm mạnh được.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Eximbank nhận xét, lãi suất cho vay hiện nay của Eximbank đối với doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh tốt chỉ ở mức 7 – 8%/năm, thấp hơn so với trần huy động đầu vào. “Tuy nhiên, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ lúc này không hề dễ. Còn với doanh nghiệp yếu, Eximbank rất ngại rót vốn, vì lo ngại rủi ro nợ xấu tăng”, ông Phước nói.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, hầu hết các ngân hàng đều đang tìm kiếm dự án tốt để tài trợ, song theo ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất áp dụng đối với tín dụng ở lĩnh vực này khó có thể đạt mức kỳ vọng của doanh nghiệp là 10 - 12%/năm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí lại cho rằng, ngoài việc cải tổ lại hệ thống tài chính- ngân hàng, trong năm tới, các ngân hàng thương mại phải cố gắng giảm thêm lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm thì mới có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay đầu tư, sản xuất, kinh doanh...
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư