Kinh doanh khó khăn: Dân giàu săn BĐS nghỉ dưỡng chơi

Cập nhật 06/05/2012 08:25

Là một phân khúc khá đặc biệt của thị trường bất động sản, mảng đất nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc có xu hướng phục hồi khá nhanh nhờ vào mức giá thấp và sự phát triển nhanh của thị trường du lịch nội địa.

Bỏ tiền ra để chơi

Mê mệt với mô hình trang trại nghỉ dưỡng xinh xắn của một đồng nghiệp tại Hà Giang, anh Công - giám đốc một công ty thiết kế in ấn, chuyên làm việc cho một số tờ báo chuyên ngành tại Hà Nội quyết định tìm hiểu để mua một mảnh đất ở khu vực ngoại thành Hà Nội để làm nơi đi lại và thỏa mãn nhu cầu vui chơi cho cả gia đình vào dịp cuối tuần.

Sau vài cái click chuột, anh C. tìm ngay ra được một vài mảnh đất rao bán tại khu vực Vân Hòa, Ba Trại, Đá Chông thuộc khu vực xung quanh Ba Vì và một số mảnh tại khu vực Sóc Sơn, Hà Nội.

Khu vực Sóc Sơn được anh loại bỏ khá nhanh là do giá đất ở khu vực này khá cao và mật độ các khu du lịch thấp cho dù giao thông thuận tiện và gần gũi với nội đô. Một mảnh được anh đưa vào tầm ngắm là thuộc khu vực gần cổng rừng quốc gia Ba Vì thuộc xã Vân Hòa.

Với một phần mềm bản đồ chỉ đường cài trên chiếc đi động HTC, anh nhanh chóng nhận ra trên đường từ Phú Thọ về Hà Nội sẽ rất tiện nếu ghé qua Cổng rừng quốc gia Ba Vì rồi về Hà Nội theo trục đại lộ Thăng Long kéo dài.

Nghĩ là làm. Nhấc máy gọi cho chủ đất rao bán trên mạng, anh được hướng dẫn đi thẳng vào cổng rừng quốc gia Ba Vì rồi qua cổng khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà, trước khi tới mảnh đất kia. Sau một hồi xác định hướng mảnh đất, anh nhanh chóng trở về Hà Nội và sáng hôm sau hẹn gặp thỏa thuận mua bán.

Sự may mắn đã đến với anh khi mà người bán đã thực sự muốn thu tiền về. Mức giá hời không tưởng đã được xác lập sau 3 ngày đàm phán với nhã ý từ hai phía. Khoảng 250 triệu đồng cho một sào đất thổ cư nằm ở trục đường liên thôn rộng 6m.

Điểm mà anh Công háo hứng nhất có lẽ là khu vực này có địa thế cao ráo với cốt đo được trên chiếc xe Triton pickup lên tới trên 100m (so với mực nước biển) và không khí mát mẻ khi dải đất của 3 thôn Nghe, Xoan, Rùa chạy men theo sườn núi dưới đỉnh cao nhất của núi Ba Vì.

Tổng diện tích của khu vực này khá nhỏ với chiều dài chạy men núi chỉ khoảng 3-5km và chiều rộng cách chân núi cũng khoảng gần từng đó. Trong một phạm vi nhỏ hẹp như vậy lại có rất nhiều khu du lịch lớn như Cổng rừng quốc gia Ba Vì, Thiên Sơn Suối Ngà (khu du lịch lớn nhất Hà Tây cũ), Khoang Xanh, Suối Tiên, Thác Đa, Long Việt... và một loạt các khu nghỉ dưỡng của doanh nghiệp và của các "đại gia" đến từ Hà Nội.


Hơn thế, qua tham khảo, ngay tại thời điểm này với mức giá đó thì khó ai có thể mua được một mảnh đất thổ cư nào ở trong ngõ làng, chứ chưa nói tới đường liên thôn. Theo quy hoạch đang được khởi động, đường liên thôn sẽ được làm với độ rộng thấp nhất là 14m với nhiều đoạn sẽ được trải nhựa.

Với tổng diện tích 1.100m2, anh C. dự kiến sẽ làm một khu nghỉ dưỡng cuối tuần với một ngôi nhà cao nhìn sang tứ phía là thung lũng và đồi núi.

Thống kê sơ bộ cho thấy, số lượng đất mà các nhà đầu tư tại Hà Nội lên mua tại khu vực Vân Hòa đã chiếm hơn một nửa. Trong đó, một phần hai số chủ đã xây dựng nhà cửa, sân vườn và trồng cây cối để nghĩ dưỡng. Có thể nói không được quy hoạch đồng bộ thành một dự án nghỉ dưỡng chuyên biệt, nhưng sự phát triển đồng thời của các gia đình riêng lẻ cùng với sự phát triển của các khu du lịch trong vùng và kế hoạch phát triển đường xá tại khu vực nông thôn đang biến khu vực này trở thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng khá lý tưởng.

Một hướng đầu tư lâu dài

Không giống như đợt sốt đất tại Yên Bài cách đây gần 2 năm, nơi mà quy hoạch ban đầu dự kiến sẽ làm Trung tâm hành chính quốc gia, đất tại khu vực ven núi Ba Vì đang có một lợi thế thực sự về khí hậu và và khả năng sinh lời do du lịch mang lại.

Mới chỉ chớm bước vào mùa hè nhưng lượng du khách đổ lên khu vực sườn Đông núi Ba Vì đã tăng lên chóng mặt. Một loạt các nhà hàng, nhà nghỉ dọc từ phía ngoài đường 87 đi Đá Chông rẽ vào cổng rừng quốc gia cho tới các khu vực xung quanh các khu du lịch nổi tiếng như Thiên Sơn, Khoang Xanh đã được đặt kín chỗ từ nay cho tới hết 30/4-1/5.

Số lượng khách du lịch đi nghỉ ngơi qua đêm tại khu vực sườn núi Ba Vì vào mùa hè đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây khi mà nhu cầu thay đổi không khí và hướng tới những vùng đất thoáng mát, nhiều cây cối và gẫn gũi với thiên nhiên tăng lên.

Nếu như cách đây 3-4 năm, giá đất tại khu vực sát chân núi Ba Vì chỉ vài chục cho tới hơn 100 triệu đồng/sào thì nay, mức giá tại những khu nghỉ dưỡng và gần gũi các khu du lịch nổi tiếng như thế này đã gấp vài ba lần. Xu hướng này có thể còn tiếp diễn trong bối cảnh nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần là có thật, giao thông ngày càng thuận tiện và điều quan trọng nhất là các kênh đầu tư khác đang gặp khá nhiều khó khăn.

Ở một mảng khác, cơ hội đầu tư vào bất động sản như chung cư, căn hộ, liền kề, biệt thự đang có dấu hiệu ngày càng kém hấp dẫn. Các chính sách quản lý của Nhà nước đang hướng tới việc chống đầu cơ và tránh rủi ro đổ vỡ do vậy việc việc giá tăng mạnh như nhiều năm trước nhiều khả năng khó xảy ra.

Trong khi đó, tại các vùng đất ngoại thành trong phạm vi bán kính 50km, khả năng giá tăng mạnh là có thể xảy ra nếu hạ tầng và du lịch tiếp tục được phát triển đồng bộ.

Về cơ bản, hệ thống hạ tầng giao thông đang được mở rộng và hoàn thiện tới tất cả các khu vực nghỉ dưỡng này. Nếu như trước đây để đi lên rừng quốc gia Ba Vì phải lên Sơn Tây rồi rẽ theo đường đi lên Đá Chông, K9 rồi mới vào được rừng, thì nay chỉ cần đi thẳng theo Đại lộ Thăng Long kéo dài là tới ngay Khoang Xanh và Thiên Sơn Suối Ngà, cũng như rừng quốc gia.

Theo quy hoạch, đại lộ Thăng Long kéo dài sẽ chính là con đường Hồ Chí Minh, sau này sẽ mở rộng nối thẳng qua cổng rừng quốc gia Ba Vì, trước khi qua Ao Vua, Đá Chông và qua Phú Thọ - còn gọi là cao tốc Hòa Lạc-Phú Thọ.

Về lâu dài, nếu đô thị Hòa Lạc với trọng tâm là Khu công nghệ cao và Đại học quốc gia Hà Nội phát triển thì khu vực nghỉ dưỡng cuối tuần ven chân núi Ba Vì có thể được hưởng lợi nhiều hơn.

Trong vài năm qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch phát triển khá rầm rộ. Rất nhiều dự án có quy mô lớn nhỏ đang âm thầm xuất hiện tại các khu vực lân cận Hà Nội như Lương Sơn, Ba Vì, Sóc Sơn, hay khu vực Phú Thọ. Đây là những nghỉ dưỡng rất lý tưởng cho người dân Thủ đô. Và do đó nhu cầu này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thơi gian tới.

Sự phát triển của bất động sản du lịch không chỉ nằm ở khu vực ngoại vi Hà Nội mà còn ở nhiều khu vực du lịch khác tại miền Bắc như Sapa của Lào Cai, Đại Lải của Vĩnh Phúc hay một số khu du lịch ven biển. Gần đây nhất, tỉnh Lào Cai đã thông qua quy hoạch phát triển Sapa thành đô thị du lịch với diện tích tổng diện tích khoảng 4.637ha, gấp đôi thị trấn Sa Pa hiện nay. Giá nhà đất tại thị trấn này hiện nhiều nơi đã ngang ngửa với giá bất động sản tại Hà Nội. Tại nhiều khu vực, giá đất Sapa đã tăng gấp 4-5 lần trong vòng 2 năm qua.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN