Năm 2018, cơ cấu tín dụng sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chất lượng và an toàn. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành để tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán.
Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả
Doanh nghiệp vẫn ngóng lãi suất giảm tiếp trong năm 2018. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN.
|
Chiều 8/1 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Năm 2017 tăng trưởng tín dụng đạt 18,17% so với cuối năm 2016. Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 toàn ngành dự kiến khoảng 17%.
Dựa vào chỉ tiêu này, NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng tổ chức tín dụng (TCTD), điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả. Tín dụng sẽ vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Theo bà Hồng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.
“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện linh hoạt, theo dõi sát diễn biến để có thể điều chỉnh phù hợp với thực tế. Phương châm của NHNN vẫn là mở rộng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong năm 2017, một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng bất động sản, tín dụng đầu tư chứng khoán đã được NHNN chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018”, Phó Thống đốc NHNN nói.
Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Năm 2017 tăng trưởng tín dụng đạt 18,17% so với cuối năm 2016. Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch rất rõ nét theo hướng chất lượng và an toàn.
Tín dụng đã tăng đều trong suốt năm 2017, không dồn vào cuối năm như nhiều năm trước đây. Điều này cho thấy nền kinh tế đã có được những kết quả tích cực khi tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, chất lượng tốt hơn. Tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ). Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có mức tăng trưởng tín dụng khá mạnh, trên 23%; tín dụng với công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%, tín dụng cho lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng khá, tín dụng xuất khẩu cao hơn mức tăng trưởng năm trước đạt 14,03%; tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 11,53%; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.
Trong năm qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16 - 18% từ đầu năm.
Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, NHNN đã tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, hoạt động các TCTD diễn biến tích cực, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trong năm qua, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm). Giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức