Một con số chưa từng được tiết lộ về khoản nợ xấu khổng lồ tại dự án thép Vạn Lợi - Hà Tĩnh bất ngờ được nhắc đến trong một bản án dân sự công bố gần đây.
Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 3 ngân hàng rót vốn cho dự án hoạt động là VDB, BIDV, Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh.
Dự án được khởi công vào tháng 8/2008 với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm, cam kết đến năm 2010 sẽ cho ra thương phẩm.
Thế nhưng, năm 2010 - thời điểm mà dự án dự kiến sẽ giúp tỉnh Hà Tĩnh "thay da đổi thịt" với 1.200 lao động địa phương có công ăn việc làm, thì nhà máy bất ngờ dừng triển khai và bỏ hoang từ đó đến nay. Cuối năm 2015, ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi.
Sau 8 năm với hàng đống sắt vụn "trơ gan cùng tuế nguyệt" khiến nhiều người không khỏi xót xa, TAND thị xã Kỳ Anh đứng ra “phân xử” bằng… một bản án dân sự. Theo kết luận của toà, chủ đầu tư là CTCP Gang thép Hà Tĩnh nhất trí chấp nhận nợ và cam kết có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi vay cho 3 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Hà Tĩnh 1.242 tỷ đồng, BIDV Hà Tĩnh 114,804 tỷ đồng, Vietcombank Hà Tĩnh 150,355 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà ông chủ dự án Thép Vạn Lợi phải trả là hơn 1.500 tỷ đồng – con số chưa từng được các nhà băng và cơ quan chức năng tiết lộ kể từ sau khi dự án “đoản mệnh” (khoản vay gốc công bố trước đó là hơn 700 tỷ đồng).
Đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục tiến hành kê biên tài sản của Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian cưỡng chế, kê biên dự kiến diễn ra trong vòng 25 ngày (từ 27/11 đến 22/12).
Toàn bộ hệ thống hạ tầng, thiết bị máy móc của Nhà máy Thép Vạn Lợi đã bị hư hỏng, gỉ sét.
|