Càng về cuối năm, dòng tiền càng lộ rõ sự đuối sức cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp trái phiếu chính phủ (TPCP). Để tiếp sức thanh khoản cho thị trường không chỉ trong trước mắt, những giải pháp đang được đưa ra và một trong số đó là Hợp đồng khung repo...
Dòng tiền đang suy yếu
Diễn biến dòng tiền trên thị trường TPCP đang cho thấy sự suy yếu rõ rệt khi các “tay to” là khối ngân hàng thương mại đang dồn vốn cho tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. Mặt khác, mặt bằng lãi suất gần đây chưa tăng như kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền suy yếu cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.
Tình trạng này, theo góc nhìn từ các thành viên thị trường, sẽ khó được cải thiện khi tốc độ giải ngân nguồn vốn TPCP tiếp tục chậm, khiến nhà phát hành chưa có động lực để tăng thêm lãi suất nhằm nâng cao tỷ lệ trúng thầu cho các đợt chào bán ít nhất là từ nay đến cuối năm.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trên thị trường sơ cấp, trong tháng 10/2018, tổng giá trị gọi thầu và gọi thầu phát hành thêm TPCP là 21.800 tỷ đồng, nhưng giá trị trúng thầu chỉ đạt 5.366 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ thành công là 24,6%, giảm mạnh so với mức 63,3% của tháng 9.
Tương tự, trên thị trường thứ cấp, VBMA cho biết, tổng giá trị giao dịch trong tháng 10/2018 đạt 145.082 tỷ đồng (trong đó giao dịch outright là 55.760 tỷ đồng, giao dịch repo là 89.322 tỷ đồng), nhưng giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt 6.398 tỷ đồng/ngày, giảm đáng kể so với con số 7.547 tỷ đồng/ngày của tháng 9.
Trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm, một tín hiệu tích cực trên thị trường thứ cấp, theo Sở GDCK Hà Nội là so với tháng 9/2018, trong tháng 10, trong khi giao dịch outright giảm 19,1% thì giao dịch repo tăng 9% - cho thấy độ sâu của thị trường tiếp tục duy trì sự tích cực…
Cải thiện thanh khoản với Hợp đồng khung Repo
Thực tế, thời gian qua, bên cạnh việc đề xuất Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp mới nhằm cải thiện thanh khoản cho thị trường TPCP, nhưng quá trình triển khai còn chậm.
Chẳng hạn, Nghị định 95/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán tuy đã có quy định mới về hệ thống nhà tạo lập thị trường, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Văn bản này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên thị trường.
Theo Tổng thư ký VBMA Đỗ Ngọc Quỳnh, Nghị định 95/2018 đã đưa ra nhiều giải pháp mới nhằm cải thiện thanh khoản cho thị trường thứ cấp.
Trong đó, đáng chú ý là quy định về hệ thống nhà tạo lập thị trường, với quyền lợi nổi bật là đối tượng duy nhất tham gia các phiên đấu thầu TPCP của Bộ Tài chính, các nhà đầu tư khác phải thông qua nhà tạo lập thị trường để mua trái phiếu. Về nghĩa vụ, trong một phiên giao dịch, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá 2 chiều (cả mua và bán), với cam kết chắc chắn.
“Với nghĩa vụ chào giá cả 2 chiều, nhà tạo lập sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn về biến động giá, trong khi thị trường TPCP Việt Nam vẫn thiếu các công cụ phòng vệ rủi ro cơ bản. Do đó, để cơ chế mới ban hành có tính thiết thực, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoàn chỉnh thị trường tài chính nói chung, thị trường phái sinh TPCP nói riêng.
Đồng thời, cần tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, phí trong giao dịch, đặc biệt là xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh khoản (trái phiếu và tiền) trong các tình huống đặc thù nhằm khuyến khích và đảm bảo cho các nhà tạo lập thị trường có thể thực hiện nghĩa vụ…”, ông Quỳnh đề xuất.
Cũng theo đại diện VBMA, tuy thị trường liên ngân hàng những năm qua đã khá ổn định, có tính khả dụng và an toàn tương đối, nhưng quan hệ vay mượn giữa các định chế tài chính không có tài sản đảm bảo vẫn còn hạn chế, nhất là các định chế tài chính nhỏ.
Do đó, repo là kênh rất tốt để họ vay vốn từ các định chế tài chính lớn. Sản phẩm này đã dần phổ biến trong hoạt động vay gửi lẫn nhau giữa các định chế tài chính.
Hiện doanh số repo TPCP, TPCP bảo lãnh khoảng 15% tổng doanh số giao dịch vay gửi của thị trường liên ngân hàng. Với khối lượng TPCP, TPCP bảo lãnh mà các định chế tài chính đang nắm giữ khoảng 1,080 triệu tỷ đồng, nhu cầu repo để quay vòng vốn hiệu quả, tạo thanh khoản khả dụng cho các định chế tài chính là rất lớn.
Từ thực tế trên, để góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, nhất là trên thị trường thứ cấp, Hợp đồng khung repo (Mini GMRA) đã được VBMA xây dựng dựa trên Hợp đồng khung repo chuẩn toàn cầu (GRMA) của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) nhằm phù hợp với luật pháp, thông lệ thị trường Việt Nam.
VBMA đã xin ý kiến của hầu hết các định chế tài chính có tham gia hoạt động repo và đã hoàn thiện xong bản tiếng Anh. Dự kiến đầu năm 2019, Mini GMRA sẽ được triển khai.
Khi đó, thị trường sẽ có một khung pháp lý giao dịch theo chuẩn mực quốc tế, thay vì từng mẫu hợp đồng được thỏa thuận song phương giữa các định chế tài chính như hiện nay. Qua đó, sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc về thỏa thuận các điều khoản giao dịch, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ hợp lý và công bằng cho tất cả các thành viên tham gia thị trường trên cơ sở tinh thần đồng thuận.
Để góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, Hợp đồng khung repo (Mini GMRA) đã được VBMA xây dựng dựa trên Hợp đồng khung repo chuẩn toàn cầu (GRMA)...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư CK