Chứng khoán đã có một quãng thời gian tăng trưởng trong êm ả khi VN-Index vượt qua mốc 690 điểm và tịnh tiến về phía 720 điểm - mốc cao nhất trong vòng tám năm qua. Tuy nhiên khi lên đến vùng này, cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu hụt hơi và giẫm chân tại chỗ.
Chưa bao giờ kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, sự liên kết giữa các nhà phát triển bất động sản và ngân hàng lại khăng khít như hiện nay. Ảnh: Mai Lương.
|
Bất động sản đang nằm ở đâu nhiều nhất nếu không phải ở ngân hàng dưới dạng tài sản thế chấp? Một số nhà phát triển bất động sản đã nhìn ra điều đó. Hợp tác với ngân hàng giải quyết tài sản thế chấp là cơ hội để kinh doanh. |
Vì sao? Vì chưa bao giờ kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, sự liên kết giữa các nhà phát triển bất động sản và ngân hàng lại khăng khít như hiện nay. Đó không chỉ là chuyện doanh nghiệp bất động sản cần vay vốn ngân hàng, hoặc ngân hàng tài trợ cho khách hàng mua căn hộ, nhà phố liền kề, biệt thự hay cả căn hộ giá rẻ ở các đô thị lớn. Đó là những chuyển động mang tính quy mô và có sự liên kết nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Đang tồn tại hai luồng ý kiến đối nghịch. Luồng thứ nhất cho rằng thị trường căn hộ cao cấp đang bão hòa; trung tâm thương mại, văn phòng cũng sắp rơi vào tình trạng cung vượt xa cầu. Nhu cầu hiện tập trung vào phân khúc nhà giá thấp nhưng lợi nhuận từ phân khúc này hạn chế nên các chủ đầu tư không mặn mà. Như vậy chậm nhất là cuối năm nay, đầu năm sau sẽ lại có một thời kỳ trầm lắng của bất động sản.
Dòng ý kiến thứ hai cho rằng bất chấp nguồn cung có khả năng tăng nhanh hơn cầu ở một mức độ nào đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi tuy không thiếu thời điểm mấp mô. Sở dĩ như thế là do nợ xấu của ngân hàng đã và đang được tháo gỡ. Khi cục máu đông nợ xấu tan đi, được hưởng lợi tất nhiên là cả nền kinh tế trong đó có bất động sản.
Bất động sản đang nằm ở đâu nhiều nhất nếu không phải ở ngân hàng dưới dạng tài sản thế chấp? Một số nhà phát triển bất động sản đã nhìn ra điều đó. Hợp tác với ngân hàng giải quyết tài sản thế chấp là cơ hội để tìm những dự án, những tài sản có giá hợp lý, khai thác chúng để chuyển nhượng cho nước ngoài hoặc trong nước.
Rủi ro ở đây là gì? Nhiều tài sản của ngân hàng có chất lượng thấp và không sinh lời. Cái ấy đã rõ. Nhưng đáng báo động hơn là hiện trạng không ít tài sản bất động sản được định giá cao hơn giá trị thực, tức khoản nợ ngân hàng cao hơn giá trị tài sản thế chấp. Giờ sẽ không ai muốn xử lý loại tài sản đó vì việc xử lý chúng sẽ làm lòi ra khoản nợ xấu hoặc người vay phải bù thêm tài sản thế chấp. Các doanh nghiệp bất động sản buộc phải thận trọng ở khúc này nếu không muốn “sập bẫy” ngân hàng.
Mặt khác một tỷ lệ không nhỏ tài sản bất động sản ở ngân hàng chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý, việc chuyển nhượng do đó, sẽ mất thời gian. Cơ hội ít khi lặp lại nếu thủ tục pháp lý cản trở việc chuyển nhượng để lấy được tài sản ra và khai thác.
Sự chuyển động ở ngân hàng chính là tiền đề để giới đầu tư trông chờ tiếp vào con sóng cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán. Các cổ phiếu bất động sản thị giá thấp (thường dưới mệnh giá) đang hồi sinh. Sẽ không bao lâu nữa sẽ đến lượt cổ phiếu bất động sản tầm trung từ 15.000-30.000 đồng/cổ phiếu. Đây thực sự là nhóm bất động sản lành mạnh. Sức lan tỏa có thể đến sàn Hà Nội, nơi nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng đang có PE khoảng 4-5 lần.