Xu hướng mang sổ tiết kiệm đi cầm cố để vay vốn mua chứng chỉ tiền gửi, mua trái phiếu DN,... đang diễn ra. Lãi suất cao hơn hẳn khiến nhiều khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài cảm thấy như bị “mất tiền”, không thể ngồi yên.
Lãi suất huy động tăng nhanh khiến người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trước đó đứng ngồi không yên - Ảnh minh họa
Chạy theo lãi suất cao
Anh Trần Quang Đạo sống tại Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội) kể, giữa năm 2018, có khoản tiền 8 tỷ đồng nhàn rỗi anh mang gửi tiết kiệm tại một ngân hàng TMCP hưởng lãi. Anh gửi kỳ hạn 18 tháng và lãi suất khi đó 7,2%/năm.
Tuy nhiên, thời gian qua lãi suất huy động tăng nhanh khiến anh thể ngồi yên. Lãi suất anh gửi kỳ hạn 18 tháng trước kia không bằng kỳ hạn 6 tháng hiện nay của nhiều ngân hàng. Vì thế vừa rồi, anh quyết định mang sổ tiết kiệm đi cầm cố vay 90% giá trị số tiền tại chính ngân hàng mình gửi, để mua chứng chỉ tiền gửi của một ngân hàng TMCP khác.
Anh Đạo cho biết, chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng TMCP phát hành có lãi suất rất cao và chỉ kéo dài đến hết 30/9/2019, trong khi sổ tiết kiệm của anh đến cuối 12/2019 mới đến hạn tất toán. Nếu đợi đến khi tất toán thì cơ hội qua mất. Do đó, anh quyết định vay 7,2 tỷ đồng thế chấp sổ tiết kiệm để mua chứng chỉ tiền gửi ngay cuối tháng 8/2019. Tất nhiên, khi vay anh phải chịu lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tới 1,3 lần. Nhưng anh mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng lãi suất cố định là 9,5%/năm. Trừ đi thì 4 tháng đầu không có lời, từ tháng thứ 5 về sau anh sẽ được hưởng lãi cao.
Tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm cũng phải tính sao để nó sinh lời tốt nhất, anh Đạo cho hay. Khi mang sổ tiết kiệm đến cầm cố vay vốn tại ngân hàng, thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn và giá trị vay tới 90% khiến anh rất hài lòng.
Gần đây, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng tăng nhanh, cùng với đó nhiều DN phát hành trái phiếu với lãi suất cao chót vót, từ 11-14,5%/năm, khiến nhiều người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài ở các ngân hàng trước đó cảm thấy như bị “mất tiền”. Chính vì vậy, một số người quyết định mang sổ tiết kiệm đi cầm cố để vay vốn mua chứng chỉ tiền gửi, mua trái phiếu DN, thậm chí mang số tiền đó đến gửi tiết kiệm ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, không chờ đến hạn tất toán.
Không dễ kiểm soát
Hình thức cho vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại diễn ra từ lâu và khá phổ biến. Với người có sổ tiết kiệm, chưa đến hạn tất toán, nhưng lại có nhu cầu đột xuất về tiền, nếu rút trước, chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn. Thay vào đó, họ có thể vay bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm, lãi suất vay cao hơn nhưng bù trừ với phần lãi của sổ tiết kiệm cuối kỳ thì vẫn lợi hơn.
“Mức vay hấp dẫn, lên tới 90% trị giá sổ tiết kiệm, sẽ giúp bạn xoay vòng vốn linh hoạt và hiệu quả hơn”. “Bạn đang cần đến một khoản tiền nhưng sổ tiết kiệm của bạn chưa đến hạn... Ngân hàng sẵn sàng cung cấp cho bạn khoản tiền bạn cần với sản phẩm cho vay thế chấp sổ tiết kiệm”... là những lời giới thiệu về hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của một số ngân hàng TMCP trên mạng Internet.
Vừa cầm cố sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng để vay vốn, chị Thu Hằng ở phố Hoa Bằng, Cầu Giấy, dự định mua trái phiếu DN. Chị nói: “Với kỳ hạn 2 năm và năm đầu hưởng lãi 12% thì hơn hẳn gửi tiết kiệm. Tôi và nhiều người khác, được nhân viên ngân hàng tư vấn như vậy”.
Tuy nhiên, hình thức bị này vừa bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo. Cơ quan này cho rằng, có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cho khách hàng vay vốn, có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Do đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. Cơ quan này sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng cố tình vi phạm.
Các chuyên gia ngân hàng nhận định, vay vốn có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm tạo thuận lợi cho nhiều khách hàng và mang lại lợi ích cho các ngân hàng, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Thời gian qua, đã có chuyện khách hàng gửi tiết kiệm số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng sổ tiết kiệm để người khác giữ, cứ đinh ninh phải có chữ ký, xác nhận của mình mới tất toán được. Cuối cùng, họ bị giả mạo để mang đi cầm cố vay tới 90% giá trị. Đến hạn tất toán, ra ngân hàng thì thấy tiền gửi đã “bốc hơi”, đến giờ vẫn chưa đòi lại được.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng, tiền gửi tiết kiệm đứng tên một cá nhân, nhưng chưa biết rõ tiền đó là của ai. Nếu cho vay bằng cầm cố sổ mà không xem xét kỹ lưỡng có thể dẫn đến rắc rối, tranh chấp. Bên cạnh đó, nếu khách hàng cứ ham lãi suất cao, rút tiền để đầu tư trái phiếu DN mà không xem xét kỹ, có thể chịu rủi ro lớn, dẫn đến bị mất tiền.
Về phía NHNN thì lo ngại, cho vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm không rõ mục đích sẽ tạo doanh số ảo, thiếu thực chất.
Tuy nhiên, việc kiểm soát vay vốn, thông qua cầm cố sổ tiết kiệm, không dễ thực hiện. Nếu yêu cầu phải có phương án sử dụng vốn mới được cầm cố sổ để vay thì các bên cũng chẳng khó để tạo ra những phương án hợp lý.
DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet