Ảnh minh họa - Theo Lao động. |
Thời gian tới, người dân và các doanh nghiệp có thể chứng kiến những thay đổi về lãi suất - có tính ảnh hưởng bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và có thể cả năm 2013.
Lửa và khói
Tục ngữ dân gian "Không có lửa làm sao có khói" lại được ứng nghiệm khi liên quan đến tin đồn về hạ lãi suất.
Lãi suất có vai trò gần giống như một dạng van tim trong hệ thống huyết mạch ngân hàng. Từ van tim đó, máu được lưu chuyển ra toàn bộ cơ thể - tác động đến nhận thức và hành vi của đại đa số chủ thể trong xã hội.
Ngày cuối cùng của tháng 11 vừa qua đã đánh dấu sự khởi phát của tin đồn trên. Chắc chắn sự đồn đoán này có liên quan đến những cơ sở khá chắc chắn, được cấu thành từ buổi trả lời chất vấn Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và cả những tin tức... hành lang.
Nếu lạm phát tiếp tục dưới 1% thì sẽ có điều kiện để xem xét giảm lãi suất... Lời khẳng định ấy gần giống như một mệnh đề. Cho đến giờ, đã có thể kết luận là lạm phát năm nay đã lập đỉnh vào tháng 8. Còn từ tháng 8 đến nay, chỉ số CPI luôn nằm dưới mức 1%. Thậm chí trong hai tháng 10 và 11, chỉ số này còn không vượt quá 0,5%.
Tháng 12 cũng được dự báo khá khả quan về chỉ số giá tiêu dùng: 0,5-0,6%. Như vậy từ tháng 8 đến cuối năm, CPI chỉ tăng thêm khoảng 3-3,5%. Điều đó cũng có nghĩa là những khách hàng đã gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng theo lãi suất trần huy động 14% từ tháng 9 là không thể bị âm, còn khách hàng nào được gửi theo lãi suất thỏa thuận 19-20% vào trước tháng 9 thì đã lãi gần ngang ngửa với kênh đầu tư vàng.
Vậy đã đủ điều kiện cần để giảm lãi suất? Hay còn phải chờ đợi thêm yếu tố nào nữa?
Câu chuyện mà trên hết là khách hàng gửi tiền và kế sau là các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đang hết sức quan tâm đang là khi nào khói sẽ biến thành lửa, cũng như "đống lửa" sẽ tỏa cháy với nhiệt lượng ra sao.
Tất nhiên một cơ quan trọng yếu và rất nhạy cảm như Ngân hàng nhà nước không thể chung sống với các loại tin đồn. Cũng bởi thế đã có sự khẳng định từ một cấp của cơ quan này về việc "Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương hạ lãi suất vào lúc này".
Chi tiết đáng ghi nhận là phản hồi trên của Ngân hàng Nhà nước xuất hiện vào ngày 1/12, tức chỉ sau dư luận "khói lửa" đúng một ngày. Động thái phản hồi này - xét ra là khá nhanh chóng nếu so với lời cảnh báo cũng của Ngân hàng Nhà nước về nạn đầu cơ giá vàng khi vào tháng 9/2011, giá vàng trong nước bị đẩy lên cao đột ngột, chênh với giá thế giới đến 4-5 triệu đồng/lượng. Khi đó, lời cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ xuất hiện sau khi giới đầu cơ kịp tiêu thụ một lượng vàng khổng lồ giá cao cho khối khách hàng cá nhân.
Nhưng mặc dù có phản hồi không chính thức từ phía cơ quan quản lý về việc chưa hạ lãi suất, rất nhiều thông tin từ cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, diễn ra sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 11/2011, đã lại cho thấy sự khẳng định về hạ lãi suất còn xuất phát từ cấp cao hơn.
Chỉ có điều, và đây cũng là một chi tiết rất đáng lưu tâm, Văn phòng Chính phủ cho biết lãi suất hạ bao nhiêu và vào thời điểm nào là do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất mấy phần trăm và vào thời điểm nào?
Mấy phần trăm?
Có những phương án đã được các chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bàn thảo trước đây. Theo đó, mức lãi suất huy động có thể hạ dần: hoặc 13%, hoặc 12%, hoặc 11%, hoặc 10%.
Thậm chí, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từ tháng 9/2011 còn kiến nghị đưa mức lãi suất huy động về 10% ngay trong năm 2011.
Tuy nhiên, 10% có lẽ là một tỷ lệ không sát lắm với thực tế, khi vào tháng 9 chỉ số lạm phát mới bắt đầu giảm, còn trong tháng 12 chỉ số CPI lại đang có chiều hướng tăng nhẹ.
Vậy nên khoảng dao động từ 11-13% của lãi suất huy động sẽ mang tính hợp lý hơn.
Một tín hiệu cũng đáng theo dõi là từ đầu tháng 12/2011, Ngân hàng BIDV đã tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp được ưu tiên. Mức hạ này là 2%.
Cách đây đúng 3 tháng, cũng BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên hưởng ứng nhiệt tình chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng nhà nước về vùng 17-19%, thậm chí BIDV còn khởi động lại cơ chế cho vay đối với những lĩnh vực quá nhạy cảm như chứng khoán và bất động sản.
Mức hạ 2% của BIDV vào đầu tháng 12 khiến những người quan tâm liên tưởng đến con số "chẵn" - cũng là một đặc thù trong tâm lý của người Việt Nam. Liệu có phải do ngẫu nhiên mà đa số kiến nghị của các chuyên gia và tổ chức đã tập trung vào tính "chẵn" hơn là "lẻ" của mức hạ lãi suất? Liệu có phải là vô tình khi những lời đồn đoán xuất hiện trong thời gian qua đều hướng về tỷ lệ hạ lãi suất 12% chứ không phải là một tỷ lệ nào khác?
Vì thế, và cùng với một số nguồn thông tin không chính thức, khả năng lãi suất huy động được kéo giảm ở mức 12% đang là phương án số một.
Thậm chí, không loại trừ một khả năng khác - đã từng được bàn thảo rôm rả từ giữa năm nay - sẽ được tiến hành: áp trần lãi suất cho vay.
Thời điểm nào?
Mặt khác, cũng cần lưu ý là BIDV, khi trở thành nhân vật tiên phong trong chiến dịch hạ lãi suất cho vay vào tháng 9/2011, đã xúc tiến chiến chiến dịch này ngay trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị 02 về tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%.
Do đó, việc BIDV hạ lãi suất cho vay thêm 2% vào đầu tháng 12 hẳn phải tạo nên tính cảm nhận về thời điểm Ngân hàng nhà nước xúc tiến hạ lãi suất huy động dưới 14% sẽ diễn ra trong ít ngày tới của tháng 12/2011.
Tuy nhiên, cơ chế hạ lãi suất huy động lần này cũng lồng trong bối cảnh khác hơn nhiều so với thời điểm tháng 9/2011. Lần này, một số giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô chắc chắn sẽ được Chính phủ đưa ra, trong đó chủ yếu liên quan đến hai công cụ chính là giảm lãi suất và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã nhắc lại một cụm từ làm gợi nhớ lại bối cảnh cuối năm 2008 - đầu năm 2009: ngăn chặn suy giảm kinh tế. Đồng thời, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về nhiều vấn đề ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới.
Như vậy, cơ chế hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không phải sẽ được thực hiện một cách độc lập, mà gắn liền với nghị quyết sắp tới của Chính phủ.
Thông thường, nghị quyết dự kiến của Chính phủ được ban hành vào khoảng ngày 10 đầu tháng. Nếu mọi chuyện vẫn diễn ra theo đúng "quy luật" - sự vận động về thời điểm của những văn bản hành chính quan trọng tính từ năm 2008 đến nay, thời điểm mà Ngân hàng nhà nước quyết định hạ lãi suất sẽ xảy ra trước hoặc sau nghị quyết này vài ba ngày.
Tức trong khoảng thời gian từ ngày 7-15/12 năm nay, người dân và các doanh nghiệp có thể chứng kiến những thay đổi ở mức độ vừa phải nhưng có tính ảnh hưởng bước ngoặt đối với vận mạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và có thể cả năm 2013.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF