Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ: TS. Vũ Đình Ánh: "Lãi suất 6%/năm không phải là rẻ"

Cập nhật 23/10/2013 14:03

"Mức 6% trong năm nay là hợp lý, là ưu đãi, nhưng sang năm giả sử lạm phát giảm, thậm chí xảy ra hiện tượng giảm phát, thì 6% lúc đó sẽ là cao và không còn ưu đãi", Ts. Vũ Đình Ánh cho biết.

Cho vay gói 30 nghìn tỷ: "Phải có lòng tin với người thu nhập thấp"!- Chính phủ yêu cầu ngân hàng sớm giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng- Đề xuất 30 dự án nhà ở xã hội được vay từ gói 30 nghìn tỷ đồng

Theo con số tổng hợp mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến hết ngày 30/9/2013, đã có 619 khách hàng được cam kết cho vay, trong đó có 590 khách hàng đã được giải ngân với số tiền 142 tỷ đồng và cam kết cho vay đối với 29 khách hàng khác. So với nhu cầu chung về nhà ở và khả năng cung ứng thị trường thì số lượng này thấp, không đạt kỳ vọng của ngành chức năng và xã hội.

Tại hội thảo Nhà ở xã hội và nhà ở cho nhu cầu thực do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức mới đây, Ts. Vũ Đình Ánh cho biết, vướng mắc trong công tác giải ngân 30 nghìn tỷ đầu tiên và lớn nhất là mức thu nhập nào đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ khi các ngân hàng cho rằng những người có thu nhập từ 8-9 triệu đồng mới có thể vay vốn từ gói hỗ trợ này.

Với tư cách là người cho vay, các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước, đều phải quan tâm đến khả năng trả nợ gốc và lãi của khách hàng trong khuân khổ gói hỗ trợ để các khoản cho vay không biến thành nợ xấu ngay từ khi cho vay.

Chính vì vậy, tiêu chuẩn cho vay là mức thu nhập trên 9 triệu đồng/người/tháng không phải là không hợp lý, nhất là khi tuyệt đại đa số nhà ở xã hội và nhà cho người có thu nhập thấp đều ở khu vực nội đô thị, nơi có mức sống, thu nhập và chi tiêu cao hơn hẳn so với khu vực nông thôn.

Ông Ánh đề xuất, trong phân khúc nhà ở xã hội nên phải tách làm 2 nhóm: Nhóm 1 là thu nhập quá thấp không thể mua nhà, kể cả nhà có giá 300-500 triệu/căn nên nhà nước phải hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho thuê với giá rẻ. Nhóm 2 là nhà ở xã hội theo tiêu chuẩn hiện nay được chuyển từ nhà ở thương mại sang, phục vụ những người có thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở chính đáng, nhu cầu được sở hữu nhà nhưng chưa thể mua nhà vì chưa đủ tiền tích lũy. Nhóm này, nếu có cơ chế họ có thể vay và có thể trả cả gốc lẫn lãi.

Nói về lãi suất cho vay của gói 30 nghìn tỷ, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng mức lãi suất 6%/năm chỉ nên quy định trong năm 2013 mà thôi. Sau đó, lãi suất cho vay phải điều chỉnh theo năm mới thực sự công bằng cho người đi vay vì mức 6% trong năm nay là hợp lý, là ưu đãi, nhưng sang năm giả sử lạm phát giảm, thậm chí xảy ra hiện tượng giảm phát, thì 6% lúc đó sẽ là cao và không còn ưu đãi...Lúc đấy, người đi vay sẽ chịu thiệt. Hơn nữa, nó tạo tâm lý không yên tâm cho người đi vay.

"Bởi vậy, tôi cho rằng, cần quy định lãi suất cho vay từ gói hỗ trợ bằng một tỷ lệ nào đó theo lãi xuất thị trường hoặc lãi suất tái cấp vốn của NHNN, vì bản chất vốn cho vay ưu đãi là từ nguồn tái cấp vốn, tỷ lệ có thể là 1/2 hay 2/3 hay 3/4 tùy theo khả năng và chủ trương ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước đối với chính sách nhà ở nói riêng, chính sách đảm bảo an sinh xã hội nói chung trong từng thời kỳ", ông Ánh nói.

Ông Ánh cũng cho rằng "Cơ quan quản lý nhà nước phải tính lại giá xây dựng. Chi phí 1m2 nhà thu nhập thấp là bao nhiêu. Điều quan trọng, nhà nước phải xác nhận được người thu nhập thấp là đối tượng chính sách. Nên chính sách xây nhà cho họ phải nhận được những chính sách tốt nhất. Cụ thể, đối với những dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thì Nhà nước cần miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các ưu đãi liên quan như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, vốn vay....cũng phải được hỗ trợ tối đa. Đặc biệt, Nhà nước phải có các tiêu chí kỹ thuật hết sức chặt chẽ để làm sao đảm bảo tiến độ và chất lượng căn hộ của dự án".

DiaOcOnline.vn - Theo Tri thức trẻ