“Chương trình tín dụng này hoàn toàn không có hỗ trợ lãi suất, tiền ngân sách bỏ ra cũng không có. Việc vay được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng trả nợ”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Viết Mạnh lên tiếng về sự tham gia của các ngân hàng thương mại đối với chương trình tín dụng 50.000 tỷ cho ngành xây dựng.
Tại hội nghị giới thiệu chương trình tín dụng nói trên ngày 17/4, ông Nguyễn Viết Mạnh cho hay, đến thời điểm này đã có 8 ngân hàng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để tham gia chương trình “liên kết 4 nhà” với giá trị cam kết cho vay lên tới 50.000 tỷ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được giao làm đầu mối tham gia cùng 7 ngân hàng khác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank).
Thế nhưng, ngay sau đó, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) Phan Thành Mai đã có bài giới thiệu chương trình tín dụng “liên kết 4 nhà”, trong đó VNCB được cho là đóng vai trò “cầm trịch” với mục tiêu là “ngân hàng tổ chức người bán”, cùng các ngân hàng thương mại khác cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng, bất động sản.
Không những thế, cuối hội nghị, VNCB đã chủ động ký một bản hợp đồng với hàng loạt ngân hàng thương mại khác như MB, OceanBank, HD Bank, VP Bank… để triển khai gói tín dụng này mà không hề có tên “ông lớn” BIDV.
Lý giải cho việc “lập nhóm” riêng, đại diện VNCB cho hay, đúng là hiện có 8 ngân hàng thương mại đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói 50.000 tỷ. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng trong số này đều có quyền xây dựng một chuỗi các ngân hàng hợp tác riêng của mình. Riêng với VNCB, ngoài một số ngân hàng trong nước còn có ngân hàng chuyên ngành nước ngoài ký kết cùng tham gia chương trình tín dụng này.
Theo ông Pham Thành Mai, chương trình tín dụng này không có gì là quá mới và phức tạp, thực chất chỉ là nhằm đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các bên, trong đó thực chất là ngân hàng đang quản lý dòng tiền, tránh việc sử dụng tiền vào mục đích khác của chủ đầu tư như trong thời gian qua.
Đại diện Vụ Tín dụng cũng khẳng định, đây là chương trình tín dụng thông thường, không có gì đặc biệt, có khác chỉ là việc biệt là có 4 nhà cùng tham gia quản lý dòng tiền nhằm mục đích an toàn hơn cho các bên tham gia, đồng thời góp phần giảm nợ xấu.
Như vậy có thể thấy, cái gọi là “gói 50.000 tỷ” dường như chỉ là một khái niệm mang tính “truyền thông” cho kế hoạch giải ngân của một nhóm ngân hàng.
Và cho dù đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định “hoàn toàn không có nhóm lợi ích nào” trong việc tung ra chương trình tín dụng này, thì thực chất, việc phân nhóm, chia nhóm và cạnh tranh với nhau của các ngân hàng khi hợp tác với nhau để triển khai gói tín dụng kiểu này cũng đã thể hiện rõ lợi ích của từng nhóm riêng biệt.
Đáng chú ý, chương trình “liên kết 4 nhà” đã được BIDV áp dụng từ hơn hai năm trước song gần như không đạt kết quả như mong muốn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy