Gói 30.000 tỷ: Dân khó vay, BĐS vẫn chết

Cập nhật 12/09/2013 09:18

Với vô vàn thủ tục khó khăn, sau 3 tháng triển khai gói 30.000 tỷ mới chỉ có 331 khách hàng được cho vay, với số tiền 105,32 tỷ đồng. Trong khi đó, có 3 khách hàng doanh nghiệp (DN) được vay số tiền lên đến 708 tỷ đồng. Cho vay hơn 800 tỷ đồng tuy nhiên thị trường BĐS vẫn đóng băng, hàng tồn kho vẫn không bán được.

3 tháng chỉ có 331 khách hàng được vay

Ngày 1/6/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ chính thức được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Trong đó, 70% của gói này (tương đương với 21.000 tỷ) được dành cho người dân vay, còn lại 30% (tương đương 9.000 tỷ) được dành cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối tượng chính của gói tín dụng này là khách hàng cá nhân, ngoài các điều kiện như: phải thuộc đối tượng lực lượng vũ trang, công nhân viên chức... thì người dân muốn vay được tiền để mua NOXH còn phải chuẩn bị hơn 10 loại giấy tờ khác nhau như: xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở, xác nhận của cơ quan công tác, chứng minh thu nhập...

Chính bởi những thủ tục phức tạp, được cho là làm khó người dân, nên tính đến ngày 31/8/2013, theo số liệu từ Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có 331 khách hàng được vay với số tiền là 105,32 tỷ đồng.

Trong đó, đã giải ngân cho 305 khách hàng với số tiền 69,4 tỷ đồng, cụ thể: cho vay để mua, thuê nhà ở xã hội là 42,9 tỷ đồng cho 181 khách hàng; cho vay để mua, thuê nhà ở thương mại là 26,5 tỷ đồng cho 124 khách hàng.

Vietcombank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất trong 5 ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Ngân hàng này đã cam kết cho vay 44,89 tỷ đồng, trong đó giải ngân 29,35 tỷ đồng cho 135 khách hàng.

Tiếp đến là VietinBank cam kết cho vay 29,47 tỷ đồng, trong đó giải ngân 23,65 tỷ đồng cho 92 khách hàng; BIDV cam kết cho vay 16,3 tỷ đồng, trong đó giải ngân 8,023 tỷ đồng cho 40 khách hàng; Agribank cam kết cho vay 8,4 tỷ đồng, trong đó giải ngân 8,26 tỷ đồng cho 37 khách hàng; MHB cam kết cho vay 6,26 tỷ đồng với 27 khách hàng, trong đó giải ngân 88 triệu đồng cho 1 khách hàng.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, tính đến ngày 31/8, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng (một khách hàng ở Huế và một khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh) trong khuôn khổ gói tín dụng này với số tiền là 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng (trên địa bàn Huế) với số tiền là 34,3 tỷ đồng.

Ngân hàng Agribank đã ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng (trên địa bàn Cần Thơ) với số tiền 50 tỷ đồng và đã giải ngân cho khách hàng này số tiền là 10,16 tỷ.

Sau 3 tháng chỉ có 331 người và 3 DN được cho vay gói 30.000 tỷ. Còn thị trường BĐS vẫn đóng băng, hàng vẫn không bán được.

Doanh nghiệp được vay nhưng BĐS vẫn chết

Kết thúc 3 tháng triển khai gói 30.000 tỷ, tổng cộng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đã được cho vay hơn 800 tỷ đồng, trong đó khách hàng là doanh nghiệp chiếm đến 700 tỷ đồng. Được hỗ trợ với tỷ lệ nhiều như vậy nhưng nhìn lại thị trường BĐS hiện nay vẫn chưa có tín hiệu tốt, thậm chí hàng không bán được, nhiều DN phá sản và đứng trước nguy cơ đổ vỡ cả thị trường.

Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là tuyên bố "động trời" của Hoàng Anh Gia Lai vào giữa tháng 8/2013, chính thức rút khỏi thị trường BĐS Việt Nam vì càng làm càng lỗ. Tiếp đến là một đại gia khác của TP.HCM - Quốc Cường Gia Lai,  cũng phải cầm cắm sổ đỏ của Chủ tịch HĐQT để có tiền tiếp tục cuộc chơi.

Gần đây nhất là hai đại gia Novaland và The EverRich 3 cũng tuyên bố giảm giá 50% căn hộ bởi bí bách dòng tiền. Cùng với đó là sự chuyển nhượng, rao bán của vô số các dự án BĐS.

"Đây là hậu quả của BĐS đóng băng quá lâu, hậu quả của nhiều doanh nghiệp thiếu tiền mặt trầm trọng, bằng mọi giá phải có tiền mặt, kể cả vay của ngân hàng, hay như giảm giá 50% để có tiền mặt. Và đây là những tín hiệu cực kỳ xấu cho thị trường BĐS, cực kỳ xấu cho nhiều doanh nghiệp BĐS.

Rất có thể, tiến độ vỡ trận sẽ dồn dập hơn vào những ngày tới. Điều đó cũng có nghĩa nhiều chủ đầu tư sẽ hạ giá nữa để có một điều kiện duy nhất là tiền mặt" - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành nhận xét.

Cũng theo ông Đực, nếu như cách đây 2 năm, Nhà nước có những biện pháp cải cách, chỉnh đốn thì may ra bây giờ mới có tín hiệu tốt, còn hiện nay có bơm tiền vào cũng khó cứu BĐS vô cùng.

"Vào thời điểm đó đã có mầm mống bệnh, căn bệnh đã được thể hiện, thì nếu uống thuốc luôn vào lúc đó sẽ phù hợp hơn. Còn đến giữa năm 2013, rất nhiều doanh nghiệp đuối rồi thì liều thuốc đó là trễ.

Rõ ràng gói 30.000 tỷ vừa nhỏ lại vừa to. Nhỏ là so với hàng tồn kho BĐS, cho nên giải cứu BĐS bằng 30.000 tỷ là không hiệu quả. Tuy nhiên, khi đưa 30.000 tỷ vào thị trường thì lại không được thị trường tiếp thu.

Gần 3 tháng nay mới giải ngân được 100 tỷ cho khách hàng cá nhân, chỉ đạt 0,3% và coi chừng là không còn sản phẩm để vay nữa. Tức là tới đây sẽ bão hòa, vì không còn sản phẩm phù hợp nữa, khi đó gói này trở thành quá lớn.

Đây là một điều rất bất lợi. Thuốc đã rất yếu mà bệnh nhân không hấp thu được thì rõ ràng bệnh này không thể khỏi. Đáng lẽ ra khi mới có dấu hiệu thì đưa thuốc vào luôn còn cứu được, bệnh nhân còn tiếp thu được, nhưng bây giờ là quá muộn" - Ông Đực cho biết.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt