Hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản không đủ sức tiếp cận tới gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm thì chính sách sẽ rơi vào bế tắc vì không có người xây, lấy gì để dân mua.
Tại buổi Giao lưu trực tuyến “Nhà ở xã hội – Cơ hội cho người nghèo” tổ chức sáng nay (20/8), Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Tính đến ngày 9/8, Bộ Xây dựng đã có 2 danh sách giới thiệu 59 doanh nghiệp mà có dự án nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước, với các loại hình cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần.
Bộ Xây dựng sẽ thẩm định chủ đầu tư giới thiệu sang Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại được ủy quyền. Tổng số vốn đề xuất cho vay của các doanh nghiệp trên là 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng nhà nước mới xác nhận vốn vay cho 2 doanh nghiệp ở Tp.HCM và Huế, trong đó mới có 1 doanh nghiệp được giải ngân. Việc của các ngân hàng là thẩm định tính hiệu quả cụ thể của dự án, cũng như là năng lực, phương án trả nợ của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tự cho vay.
Theo báo cáo của ngân hàng, các ngân hàng đang tích cực thẩm định để trong cuối tháng 8 có doanh nghiệp được giải ngân.
Về phía các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các thông tư, quy định để chuẩn bị thật tốt bộ hồ sơ thuyết phục ngân hàng trong vấn đề vay vốn. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập các tổ công tác đi đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn của ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình thẩm định và cho vay.
Tài sản thế chấp: Gỡ xong vẫn khó
Một khó khăn nữa doanh nghiếp vấp phải khi tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là tài sản thế chấp khi vay vốn. Hiện nay các quy định về điều kiện thế chấp khi vay tiền ngân hàng được quy định trong luật tín dụng, bắt buộc các doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng phải có thế chấp.
Để tháo gỡ, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng đã có giải pháp là các doanh nghiệp có thể dùng tài sản sau vốn vay để thế chấp, tuy nhiên vướng mắc hiện nay là quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước.
Nhà nước không thu tiền, do đó có vướng mắc trong vấn đề thế chấp. Mặt khác, nếu như doanh nghiệp mà dùng tài sản hình thành trên đất thì đến lượt người đi vay để mua không dùng cái đó để thế chấp được nữa.
Để giải quyết vấn đề này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước họp bàn, có giải pháp hướng dẫn các ngân hàng và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện các dự án kinh doanh, kể cả kinh doanh nhà ở xã hội thì các doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng được những yêu nhất định về năng lực tài chính, đặc biệt là nguồn vốn.
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số