Giao dịch qua các kênh điện tử đồng loạt tăng mạnh

Cập nhật 02/12/2018 09:30

Giá trị thanh toán qua di động và ví điện tử tăng trưởng ở mức ba con số trong ba quý đầu năm 2018.

Những tháng đầu năm 2018, lượng người dùng và giá trị giao dịch qua các kênh điện tử như Internet, di động và ví điện tử tăng khá mạnh ở nhiều ngân hàng. Tại Sacombank, số liệu 10 tháng cho biết, lượng đăng ký sử dụng Internet Banking đạt hơn 1,3 triệu tài khoản và Mobile Banking hơn 1,1 triệu tài khoản. Tổng giá trị giao dịch mỗi tháng qua cả hai kênh này là hơn 108.000 tỷ đồng.

VietinBank ghi nhận số lượng sử dụng Internet Banking trong nửa đầu năm tăng đến 114% so với cùng kỳ 2017, với hơn 1,5 triệu tài khoản với giá trị giao dịch đạt 44.260 tỷ đồng. Số người sử dụng Mobile Banking của ngân hàng này cũng đạt hơn 1,5 triệu người, tổng số tiền giao dịch đạt 64.350 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng ghi nhận số người dùng và giá trị giao dịch qua Internet Banking tăng mạnh nửa đầu năm 2018.

Tại MBBank, đã có hơn 7 triệu người sủ dụng dịch vụ ngân hàng số của nhà băng này. Tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi tháng đạt 27.400 tỷ đồng, đưa tỷ lệ giao dịch trên ngân hàng số cán mức 2,6 triệu giao dịch số trên tổng số khoảng 3 triệu giao dịch hàng tháng của ngân hàng.

Sau khi thành lập Trung tâm Số hóa Ngân hàng (Digital Lab), VPBank đạt tỷ lệ giao dịch trực tuyến chiếm hơn 52% tổng lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2018. Diễn biến tại các ngân hàng này cũng tương đồng với bức tranh chung về thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, giá trị thanh toán qua các kênh điện tử đến hết quý III/2018 tăng mạnh so với cùng kỳ 2017. Theo đó, thanh toán qua Internet tăng 18,3%. Đặc biệt, thanh toán qua di động và ví điện tử tăng ở mức ba con số, lần lượt là 126% và 161%. Số lượng thanh toán qua các kênh Internet, di động và ví điện tử cũng ghi nhận tăng lần lượt là 33%, 30% và 28%.

Số lượng thanh toán qua các kênh điện tử


Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết hiện đã có 78 ngân hàng làm dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua di động.

"Thanh toán di động đang dần trở thành xu hướng mới với các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc và phi tiếp xúc, số hóa thông tin thẻ (tokennization) ngày càng tăng", ông Sơn nhận định và cho biết đã có 16 ngân hàng thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận định dịch vụ ngân hàng điện tử trên địa bàn này có tốc độ tăng trưởng nhanh và ấn tượng trong 10 năm qua. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng khách hàng than gia dịch vụ Internet Banking tăng qua từng năm, với số lượng giao dịch tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.

"Đây là dịch vụ ngân hàng điện tử có tốc độ tăng trưởng ấn tượng về lượng khách hàng tham gia sử dụng nhờ sự tiện lợi, tiện ích dịch vụ. Khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi và 24/24, trong ngày không kể thời gian không gian", ông Minh bình luận tại sự kiện Vietnam Retail Banking Forum 2018 diễn ra mới đây.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, để tiếp tục phát triển thanh toán không tiền mặt, các tổ chức tín dụng cần quan tâm phát triển các giải pháp, gắn kết sử dụng các dịch vụ thẻ, Internet Banking, Mobile Banking để thanh toán trong lĩnh vực công.

Cụ thể, ngoài các lĩnh vực đã thực hiện như y tế, giáo dục, chi trả lương, thù lao, thanh toán chi phí (hành chính, điện nước, điện thoại, Internet, văn phòng phẩm...) thì cần mở rộng và gắn kết vào việc thu phí, lệ phí các dịch vụ công trực tuyến và các dự án xe buýt điện tử, vé tàu điện tử, các giải pháp phát triển đô thị thông minh.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress