Những khu chung cư mới của khu đô thị Mễ Trì đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Ảnh: Hoàng Lâm |
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi phải có nguồn vốn vững mạnh, kế hoạch tài chính dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu vốn luôn là vấn đề khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải trăn trở.
Trên thực tế, có ba nguồn vốn chính được huy động cho thị trường này gồm vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng và huy động từ khách hàng.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Trần Kim Chung, Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở Việt Nam, hiện nguồn vốn có tính quyết định và giữ vai trò lớn nhất cung cấp cho thị trường bất động sản vẫn là ngân hàng, nhưng nguồn vốn quan trọng này lại chưa đáp ứng được cho tốc độ phát triển nhanh của thị trường bất động sản hiện nay.
Trong những tháng đầu năm nay, tình hình cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại vẫn chưa được cải thiện rõ rệt do thiếu nguồn vốn huy động.
Theo dự báo, vốn tín dụng ngân hàng vào bất động sản vẫn tiếp tục tăng nhẹ song cũng không cải thiện nhiều về tỉ trọng/tổng dư nợ cho vay.
Nhận định của giới chuyên gia cho thấy, với các chính sách hiện hành, nguồn vốn từ ngân hàng đã đến mức giới hạn nhưng vẫn còn những nguồn vốn tiềm năng khác vẫn chưa được huy động.
Tiến sỹ Trần Kim Chung đề xuất tăng cường tín nhiệm của doanh nghiệp bất động sản để thu hút vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng; đồng thời đẩy mạnh việc mua lại, sáp nhập và các loại hình liên doanh.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần xác định nhu cầu, lên kế hoạch về vốn cho các giai đoạn để chủ động trong kinh doanh và góp phần bình ổn thị trường.
Các doanh nghiệp cũng có thể tăng cường hoạt động thu hút vốn trên thị trường cổ phiếu thông qua việc niêm yết lên sàn hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việc hình thành hệ thống tài chính bất động sản theo mô hình của một số quốc gia phát triển đang vận hành, nhất là Quỹ tín thác bất động sản (REIT) cũng nên được tính đến.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Tập đoàn bất động sản Thế kỷ mới (CENGROUP) cho rằng hiện nay sản phẩm bất động sản rất phong phú nên tùy từng loại mà yêu cầu về vốn cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về vốn do nguồn vốn tự có thấp, nhất là chủ đầu tư nhỏ.
Hiện ở Việt Nam đã xuất hiện sự liên thông nhưng mới ở trạng thái một chiều - tạo nguồn cho việc hình thành bất động sản. Quá trình phân bổ rủi ro rất hẹp trong phạm vi giữa số ít đối tượng tham gia giao dịch. Vì thế, tính thanh khoản chỉ đảm bảo được khi giá bất động sản tăng.
Trong trường hợp giá sụt giảm, tính thanh khoản cũng kém đi nên không có mức cân bằng giá mới. Vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị nên áp dụng ức lãi suất cố định cho người mua bất động sản để đề phòng rủi ro; đồng thời cung cấp cơ hội, khả năng cho người vay tái cấp tài chính để mua tài sản khi lãi suất giảm...
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, các chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra các đề xuất để tạo sự liên thông trong thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu bất động sản, thời điểm hình thành quỹ phát triển bất động sản, tạo sự liên kết để thị trường tài chính thúc đẩy thị trường phát triển...
Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Giải pháp về vốn cho thị trường bất động sản," tổ chức tại Hà Nội ngày 14/5 với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng, Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+