TPHCM có tỷ lệ giải ngân vốn vay lại của Chính phủ năm 2018 tính đến thời điểm này mới đạt... 2%. Nếu nhìn vào số liệu, dường như các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, không chỉ riêng ở TPHCM, đang gặp ách tắc. Vì sao như vậy?
Lắp đường ray cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: Anh Quân,
|
Trong kỳ họp thứ 12 của HĐND TPHCM hôm 6-12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đến hết tháng 10-2018, cả bảy dự án sử dụng vốn vay lại của Chính phủ mới giải ngân được 102 tỉ đồng (bằng 2%) kế hoạch. Lý do là các dự án như Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro tuyến số 2 ( Bến Thành -Tham Lương)... phải thi công chậm do vướng thủ tục pháp lý, cơ chế thanh toán, xác nhận giải ngân vốn gặp nhiều vấn đề.
Cũng liên quan đến việc giải ngân vốn vay nước ngoài về cho vay lại của Chính phủ, tại hội trường Quốc hội cách đây một năm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về trường hợp chậm giải ngân vốn ODA cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, dẫn đến dự án bị ngưng trệ. Ông Dũng thừa nhận là do dự toán bố trí vốn nước ngoài hiện đang thấp. Thực tế, UBND TPHCM đã phải tạm ứng 1.100 tỉ đồng (2017) từ ngân sách thành phố để chi trả cho các nhà thầu dự án. Hay nói khác đi là kế hoạch bố trí vốn nước ngoài cho TPHCM là thấp so với tiến độ dự án thực hiện được. Và khi Chính phủ xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thì Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để trả lại vốn đối ứng cho thành phố. Song dường như suốt một năm qua, tiến độ giải ngân từ Chính phủ cho trường hợp đúng tiến độ, lại có tiền ngân sách tạm ứng trước này không thay đổi khá hơn.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 vừa qua, tính đến hết quí 3 năm nay, giải ngân vốn trong nước đạt 55,11% kế hoạch, còn vốn nước ngoài chỉ đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao, cá biệt như TPHCM chỉ đạt 2%. Tiền không thiếu vì sao không tiêu được?
Được biết, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giao cho các địa phương hàng năm để giải ngân theo kế hoạch bao gồm vốn trong nước (vốn từ nguồn phát hành TPCP, vốn cho chương trình Mục tiêu quốc gia) và vốn vay nước ngoài. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 vừa qua, tính đến hết quí 3 năm nay, giải ngân vốn trong nước đạt 55,11% kế hoạch, còn vốn nước ngoài chỉ đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao, cá biệt như TPHCM chỉ đạt 2%. Mức giải ngân vốn nước ngoài thấp hơn khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2017.
Cuối tháng 11 vừa qua, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã chủ trì cuộc họp với các bộ, địa phương riêng về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài trong năm 2018. Thực tế là, kế hoạch năm nay Quốc hội phê duyệt giải ngân 60.000 tỉ đồng (từ nguồn vốn vay nước ngoài), Chính phủ đã giao vốn 55.000 tỉ đồng. Nguồn tiền mà thực tế giải ngân chỉ đạt chưa đầy 40% kế hoạch.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, không chỉ ở TPHCM mà ở các địa phương khác như Hà Nội hay một vài bộ, ngành cũng diễn ra tình trạng: nhiều dự án đang thực hiện nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn năm 2018.
Cơ chế quản lý vốn vay nước ngoài theo Nghị định 97/2018 yêu cầu tất cả các nguồn vốn vay nước ngoài đều phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nên thực tế, hàng năm đều có kế hoạch giải ngân vốn nhưng việc bố trí nguồn tiền thực tế lại chưa có (như giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Một số dự án đã được bố trí vốn năm nay nhưng cũng đã hết thời hạn giải ngân vốn theo Thỏa thuận và Hiệp định (với phía đối tác nước ngoài) nên phải làm thủ tục gia hạn giải ngân mới rót tiền. Một số dự án hỗn hợp (ngân sách cấp phát và cho vay lại nguồn vốn nước ngoài) gặp vướng mắc trong quá trình ký kết hợp đồng cho vay lại. Hoặc có những dự án quyết toán giai đoạn cuối (Nội Bài - Nhật Tân...) tiến độ giải ngân cũng không đều.
Dự kiến năm 2019, kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài khoảng 60.000 tỉ đồng, bằng với năm nay và ưu tiên phân bổ vào các dự án kết thúc hiệp định năm 2019 mà không có khả năng gia hạn, hoặc các dự án có tiến độ giải ngân cao.
Những điều chỉnh thực tế về giải ngân là rất cần thiết, thay vì chỉ giao vốn trên giấy, bởi cứ chậm giải ngân mà vẫn ký hợp đồng vay thì rủi ro về nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại tăng lên. Nhất là khi nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50%).
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG