Giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhìn nhận là gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP và nợ công của Việt Nam.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, thanh toán vốn đầu tư công 11 tháng năm 2018 ước đạt 239.573,357 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 61,62% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (với tỷ lệ tươmg ứng là 59,21% và 65,12%). Có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, cụ thể: 31/56 bộ, ngành trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 11 tháng đầu năm 2018 dưới 65% kế hoạch năm, trong đó, còn 21 bộ, ngành trung ương và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
Về nguyên nhân giải ngân chậm, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến tháng 11/2018, một số các vướng mắc vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm như: Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; do ảnh hưởng của địa hình phức tạp, thời tiết; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân thanh toán vốn.
Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, việc giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ chưa sát với khả năng giải ngân của các bộ, ngành, địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới chỉ đạt khoảng 35,23% kế hoạch. Đối với nguồn vốn nước ngoài, việc giải ngân chậm có thể kể đến do một số nguyên nhân như: Vướng mắc về cơ chế; do giao kế hoạch vốn chưa phù hợp; vướng mắc về phía dự án; vướng mắc do nhà tài trợ…
Giới chuyên gia cho rằng Luật Đầu tư công hiện hành có quá nhiều trình tự thủ tục cũng như rất nhiều loại giấy phép để có thể xây dựng một công trình. Những vướng mắc trong quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai cũng làm ảnh hưởng đến triển khai các dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân của Kho bạc Nhà nước. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, đối với phần kế hoạch vốn năm 2018 còn lại chưa giao, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Về kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ điều chỉnh, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông báo kế hoạch cho các bộ, ngành được bổ sung vốn trái phiếu chính phủ. Sau khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương được bổ sung vốn khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, làm cơ sở để các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Đối với việc giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2018.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết