Giải ngân gói 30.000 tỷ: Thận trọng không thừa

Cập nhật 04/09/2013 13:49

Những bài học từ chương trình “kích cầu” năm 2009 khiến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản hiện nay giải ngân trong thận trọng.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hầu như không có khả năng vươn tới phân khúc bất động sản cao cấp

Bộ Xây dựng vừa cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn cả nước đến nay đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Cụ thể, có 22 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 6.000 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 8.320 căn hộ; 01 dự án chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang công trình dịch vụ (bệnh viện 500 giường).

Tại thành phố Hà Nội có 21 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khảng 11.400 căn với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng; 12 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô xây dựng ban đầu 3.734 căn xin điều chỉnh tăng lên 5.234 căn.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 14.800 căn, tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng; 10 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu 2.183 căn hộ thành 3.084 căn hộ; 01 dự án chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại từ 360 căn hộ sang công trình dịch vụ (thành bệnh viện).

Sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết số 02/NQ – CP của Chính phủ, các ngân hàng đã cam kết cho vay 219 khách hàng với số tiền là 65,57 tỷ đồng, đã giải ngân cho 208 khách hàng cá nhân với số tiền là 48,92 tỷ đồng.

Hiện các Ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay của cả doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân (riêng Vietinbank nhận được 400 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 200 hồ sơ…) và đang tích cực triển khai tiến hành việc thẩm định để cho vay theo quy định.

Dù chịu sức ép lớn từ dư luận nhưng gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản cũng có lý do để giải ngân thận trọng. Lịch sử ngành ngân hàng đã từng ghi nhận những bài học khi ngành này nỗ lực đẩy nhanh gói kích thích kinh tế năm 2009, nhiều đơn vị, cá nhân sau đó đã phạm phải sai lần, một số khoản vay đã bị “xuất toán”, thu hồi phần hỗ trợ lãi suất do “cho vay không đúng quy định”.

Cụ thể, vào thời điểm trên, để kích thích nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay vốn ngắn hạn để lưu động sản xuất kinh doanh sẽ được vay vốn tối đa 8 tháng với mức lãi suất hỗ trợ là 4%/năm cho thời hạn vay trong năm 2009 và được giảm trừ ngay trong quá trình trả lãi. Với khoảng 1 tỷ USD dành cho việc hỗ trợ lãi suất (tương đương 17.000 tỷ đồng vào thời điểm năm 2009), ước tính có khoảng 640.000 tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ lãi suất.

Sau 2 năm triển khai gói “kích cầu”, đến đầu năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm trong cho vay hỗ trợ lãi suất tại 5 ngân hàng thương mại. Kết luận thanh tra xác định có tình trạng doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất nhưng lại mang đi gửi tiết kiệm lấy chênh lệch lãi suất (hơn 15.235 tỷ đồng và gần 31 triệu USD); một số doanh nghiệp vay vốn để kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng có nguồn gốc nhập khẩu; một số doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất tại nhiều ngân hàng; doanh nghiệp vay thanh toán mua hàng nhưng không thực hiện giao dịch này...

Một lý do khác cũng khiến ngân hàng thận trọng trong việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là xác định đối tượng cho vay. Việc quy định chính quyền địa phương xác nhận hiện trạng nhà ở của người mua nhà ở xã hội một mặt làm khó cho người được vay khi chính quyền địa phương hoàn toàn có thể từ chối xác nhận với lý do không nắm được hiện trạng nhà ở của người dân; mặt khác có thể khiến ngân hàng gặp rủi do khi hiện trạng được xác nhận không đúng. Là người quyết định cho vay, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm không chỉ về độ chính xác, tính hiệu lực của văn bản, thủ tục, giấy tờ... mà cả cách thức sử dụng khoản vay của người đi vay.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, với gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, nếu các cán bộ ngân hàng chỉ sơ suất thôi cũng có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý. Trên thực tế, hỗ trợ lãi suất đã từng là “cái bẫy” khiến không ít tổ chức, cá nhân ngành ngân hàng lãnh chịu hậu quả!
 
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư