Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: Lạ số lượng đăng ký

Cập nhật 04/09/2013 09:23

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, đến thời điểm này, tiến độ giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng vẫn rất chậm, do nguồn cung về nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Hoàng Minh
Tuy nhiên, theo ông Minh, kỳ vọng dư nợ sẽ tăng lên trong quý IV.

* Xin ông cho biết tiến độ giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng tại TP. HCM?

Đến ngày 15/8, bốn ngân hàng thuộc diện triển khai gói vốn 30.000 tỷ đồng có chi nhánh tại khu vực TP. HCM đã nhận được 52 hồ sơ vay vốn, trong đó có 51 hồ sơ của khách hàng cá nhân và 1 hồ sơ của doanh nghiệp bất động sản. 22 hồ sơ vay vốn của cá nhân đã được giải ngân, với tổng số vốn 5,9 tỷ đồng. Với khách hàng doanh nghiệp duy nhất có hồ sơ xin vay vốn là CTCP Tư vấn thương mại địa ốc Hoàng Quân được giải ngân ở mức 540 tỷ đồng. Sở dĩ tiến độ giải ngân gói vốn này còn chậm là do nguồn cung về nhà ở xã hội vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được cầu của người dân.

* Vậy trong các khách hàng nhận được vốn vay, đã có ai mua được nhà ở xã hội?

Hầu hết khách hàng cá nhân nộp hồ sơ xin vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng là để mua nhà ở thương mại, nằm trong quy định của gói vốn này, chưa có trường hợp nào mua được nhà ở xã hội. Để có thể khơi thông được nguồn vốn ưu đãi này, theo tôi, cần có sự bổ sung về nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường. Hy vọng, điều này sẽ được cải thiện trong quý tới, nhưng còn phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt các dự án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng.

* Không ít ý kiến cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn này từ ngân hàng rất khó?

Trước đây, các ngân hàng rất khó khăn trong việc xác định tình trạng nhà ở của khách hàng có thu nhập thấp để có thể giải ngân nguồn vốn ưu đãi lãi suất 6%/năm mua nhà. Tuy nhiên, với Công văn 1550/BXD-QLN về việc đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 02/CQ-CP của Chính phủ về cho vay hỗ trợ mua nhà, phía ngân hàng không còn gặp khó khăn trong vấn đề xác định tình trạng nhà ở. Song tiền cho vay ra, các ngân hàng cũng phải xác minh được khả năng trả nợ của khách hàng nên không thể cho vay một cách ồ ạt.

* Ngoài gói vốn nói trên, dư nợ bất động sản của ngân hàng có tăng, thưa ông?

So với đầu năm, tín dụng bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 7/2013 tăng 10,4% (khoảng 95.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, nợ xấu đối với tín dụng khu vực này đến cuối tháng 7 chiếm hơn 9% trong tổng dư nợ cho vay bất động sản. Vì thế, các ngân hàng mặc dù đã rộng cửa đối với tín dụng bất động sản, nhưng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ rủi ro để hạn chế nợ xấu.

* Nhiều người cho rằng, lãi suất cho vay bất động sản đang được các ngân hàng áp dụng vẫn quá sức chịu đựng, cho dù nhu cầu vay mua nhà luôn cao?

Theo tôi, với mức lãi suất cho vay trung - dài hạn đã được các ngân hàng kéo giảm xuống 11 - 12%/năm hiện nay đã phù hợp. Do đó, khó kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu trong thời gian tới. Hiện các ngân hàng đã dành nguồn vốn nhiều hơn trong cho vay bất động sản. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro thì chắc chắn lãi suất cho vay cũng sẽ phải được áp mức cao hơn.

* Đánh giá của ông về nhu cầu vốn dịp cuối năm?

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã có sự cải thiện trong quý III. Ước đến cuối tháng 8/2013, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tăng 5,6%, huy động vốn tăng 6,08%. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, trong những tháng còn lại của năm, tín dụng phải tăng thêm 1,3 - 1,4%/tháng,  tôi cho rằng là khả thi. Bởi tăng trưởng dư nợ luôn có chiều hướng cải thiện trong những tháng cuối năm.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán