Giá vàng sẽ điều chỉnh, giảm hay tăng tiếp?

Cập nhật 24/08/2011 11:10

Phiên giao dịch đêm qua, giá vàng giao sau giảm mạnh, do kinh tế thế giới đón nhận một vài thông tin tích cực. Song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, sự điều chỉnh này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Thậm chí, có người nói rằng, mức giá 3.000 USD/ ounce vàng là điều "có thể".

Theo biên tập viên Brett Arends của trang Market Watch, "giá vàng lên 3.000 USD/ounce ư? Đừng vội cười!".

Chốt phiên giao dịch New York đêm 23/8, giá vàng giao tháng 12 giảm mạnh 30,60 USD/ounce, tương ứng 1,6%, xuống 1.861 USD/ounce trên sàn Comex. Tới 6h39 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giảm thêm 23 USD, xuống 1.839 USD/ounce. Trước đó, phiên 22/8, vàng hợp đồng loại này đã chạm mốc 1.891,9 USD/ounce, thậm chí có lúc vượt qua 1.899 USD/ounce trong ngày.

Adam Klopfenstein, chiến lược gia thị trường cao cấp của MF Global ở Chicago, cho biết, các thị trường chứng khoán hôm qua đã cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, và thị trường vàng sẽ xuất hiện một số sự điều chỉnh. Theo ông, vàng có khả năng tìm được sự hỗ trợ ở khoảng 1.850 USD/ounce.

Hôm qua, các thị trường chứng khoán toàn cầu lên điểm, phần lớn là nhờ vào những báo cáo tích cực về hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và châu Âu. Cụ thể, theo đánh giá sơ bộ của HSBC, chỉ số quản lý sức mua PMI tháng 8 của Trung Quốc tăng lên 49,8 điểm, vượt mức 49,3 trong tháng 7. Tuy vẫn dưới ngưỡng tăng trưởng (50 điểm), song mức này tốt hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Các chuyên gia kinh tế HSBC lưu ý rằng số liệu PMI này tương ứng với sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới tăng lên cao nhất 3 tháng. Điều này giúp giảm bớt lo ngại về nền kinh tế giảm nhiệt quá nhanh của Trung Quốc. "Dữ liệu cho thấy, nguy cơ suy thoái vẫn còn xa", chuyên gia kinh tế Hongbin Qu của HSBC cho biết.

Trong khi, PMI tháng 8 của Đức, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu không đổi ở mức 52 điểm, tương tự như hồi tháng 7. PMI tổng hợp của toàn bộ khu vực đồng Euro cũng giữ nguyên ở mức 51,1 điểm của tháng trước đó. Cả hai chỉ số PMI của Đức và khu vực đồng Euro đều ngược với dự báo giảm của giới phân tích.

Tuy nhiên, cùng ngày, ngân hàng UBS đã gia nhập "đội quân" các ngân hàng đầu tư nâng dự báo giá vàng. Theo dự báo của ngân hàng Thụy Sỹ này, giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay, mặc dù sẽ có một số điều chỉnh. Trước đó, các chiến lược gia của Citigroup cũng nâng dự báo giá vàng.

Hôm qua, bộ trưởng bộ ngoại giao các nước châu Á và Mỹ Latin bắt đầu nhóm họp tại Argentina để bàn về cách thức đối phó với tình trạng rối loạn thị trường, sau khi các thị trường chứng khoán tụt dốc mạnh và giá vàng tăng cao, làm dấy lên những lo lắng về nguy cơ thế giới rơi vào đợt suy giảm và thậm chí là suy thoái mới.

Theo nhà kinh tế Argentina Claudio Loser, một cựu quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), "có thể xảy ra một đợt suy giảm nhưng có lẽ không quá nghiêm trọng". Song, có vẻ như quan điểm này chưa sát với thực tế, khi mà hàng loạt chuyên gia phân tích trước đó đã đặt câu hỏi về khả năng thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Giám đốc thị trường của Rockwell Global Capital Peter Cardillo cho rằng, giới đầu tư vẫn đang dõi theo sát sao những động thái của Chính phủ Mỹ về việc nới lỏng các chính sách tiền tệ, nhằm kích thích nền kinh tế đang trên đà suy yếu, bởi họ vẫn lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới, cũng như chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Theo dự báo của Tiểu ban phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist của Anh, có ít nhất 40% khả năng khu vực đồng Euro sẽ tan rã và cũng có khả năng tương tự như vậy về việc kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái. Tương tự như động thái của Morgan Stanley, EIU đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay xuống 1,7% và kinh tế toàn cầu xuống 2,5%.

Robert Bew, nhà kinh tế trưởng của EIU, cho rằng sự sụp đổ của khu vực đồng Euro sẽ ngay lập tức khiến các thị trường đặt dấu hỏi về về khả năng thanh toán của phần lớn hệ thống ngân hàng toàn cầu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai tương tự những gì đã xảy ra năm 2008. Điều đáng lo nhất là khu vực đồng Euro tan vỡ sẽ dẫn tới sự sụt giảm mạnh nhu cầu toàn thế giới.

Theo EIU, cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu hiện đã ở mức độ nguy hiểm hơn trước rất nhiều. Italy và Tây Ban Nha đang có nguy cơ trở thành những nạn nhân tiếp theo, trong khi châu Âu không còn đủ thời gian để đạt được sự đồng thuận chính trị về một giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nợ. Do vậy, các nước cần chuẩn bị những biện pháp chống đỡ cần thiết nếu khả năng xấu nhất xảy ra.

Cùng quan điểm với EIU, trang 24/7 Wall Street đã đưa ra 9 vấn đề, mà theo họ là những dấu hiệu cho thấy, một đợt sóng suy thoái đã ập tới chân, nhưng cuộc suy thoái lần này sẽ kéo dài và rất nghiêm trọng. Các dấu hiệu rõ ràng nhất đã xuất hiện tại Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. GDP quý 2 của Mỹ tăng trưởng dưới 2%, của Nhật giảm 0,3%, của Đức chỉ đạt 0,1%.

9 dấu hiệu, theo 24/7 Wall Street, gồm: Nhu cầu vận chuyển bằng đường biển giảm đáng kể; Tăng trưởng GDP dự báo bị hạ; Nhu cầu dầu mỏ suy yếu; Thị trường chứng khoán lao dốc liên tục; Tỷ lệ thất nghiệp lơ lửng ở mức cao; Các cuộc xung đột ở Bắc Phi và Trung Đông; Số người nghèo đói tăng cao; Chính phủ nhiều nước thắt lưng buộc bụng và việc các nhà đầu tư Phố Wall bi quan về triển vọng kinh tế.

Trong một diễn biến khác, trang Vietnamplus dẫn nguồn tin báo Độc lập của Nga cho biết, các ngân hàng đầu tư đã hạ thấp dự báo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong những năm 2011-2012, theo đó có khả năng Mỹ sẽ lâm vào một cuộc suy thoái mới. Kịch bản xấu nhất về tình hình kinh tế Mỹ sẽ có nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế mới tại Nga.

Các nhà phân tích của JP Morgan, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ, đã hạ dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 4 từ 2,5% xuống 1%. Ngân hàng này dự kiến tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2012 sẽ ở mức 0,5 -1,5%. Ngân hàng Morgan Stanley trước đó cũng đã hạ thấp dự báo về tăng trưởng GDP của Mỹ và lưu ý, Mỹ cùng Liên minh châu Âu đang ở bờ vực suy thoái mới.

Theo tờ Độc lập, sự đánh giá lại các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô của Mỹ đã làm thay đổi một cách căn bản quan niệm của các nhà phân tích về quá khứ và tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Gần đây người ta vẫn cho rằng GDP của Mỹ chậm lại nhưng vẫn đang tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay những quan niệm này không còn có tính thời sự nữa.

Chuyên gia Andrey Cherniavski của Trung tâm phát triển thuộc trường Cao đẳng kinh tế, nhận định: "Trong giai đoạn 2007-2010, GDP của Mỹ đã giảm với nhịp độ 0,3%/ năm, mặc dù trước đó người ta nói tăng 0,1%. Kết quả này là do sự đánh giá lại hết sức không tích cực về nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong những năm 2008-2009".

"Kinh tế Mỹ năm 2008 đã giảm 3,3% (đánh giá trước đây là 2,8%), năm 2009 - giảm 0,5% (theo đánh giá trước đó - tăng 0,2%) và năm 2010 tăng 3,1%. Kết hợp với các số liệu quý 2/2011, GDP tăng 1,2%, nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình chỉ tăng 0,1%, thống kê vĩ mô buộc phải nói về tình trạng thoát ra khỏi khủng hoảng chậm một cách căn bản hơn là dự đoán trước đây".

Điều quan trọng là. kinh tế Mỹ thể hiện những kết quả kinh tế yếu kém như vậy trong bối cảnh thực hiện chương trình kích thích tài chính lớn nhất và tỷ lệ lãi suất bằng không của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ông Cherniavski cảnh báo, sự ổn định không chắc chắn của thị trường tài chính Mỹ có thể buộc Chính phủ Mỹ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng trong nước của các hộ gia đình Mỹ yếu và tình trạng khủng hoảng nợ ở châu Âu trở nên sâu sắc hơn, sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ đối mặt với một cuộc suy thoái mới. Đối với Nga, nếu kịch bản này xảy ra có nghĩa là bắt đầu một vòng khủng hoảng kinh tế mới, kèm theo sự mất giá của đồng rúp.

Theo những nhận định trên, thì nguy cơ thế giới rơi vào một đợt suy thoái mới vẫn chưa được giải trừ, thậm chí còn bị "tô điểm" đậm màu ảm đạm hơn. Cùng với dự báo về khả năng Mỹ thực hiện gói nới lỏng định lượng thứ 3, sự điều chỉnh giảm của thị trường vàng rất có thể chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Thậm chí, theo biên tập viên Brett Arends của trang Market Watch: "Giá vàng lên 3.000 USD/ounce ư? Đừng vội cười".

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy