Góp vốn vào PVC Land để xây toà nhà PetroVietnam Landmark, PVC đã phải trích lập dự phòng tới 92% trị giá khoản đầu tư. Trong khi đó, giá trị sổ sách của PVC Land ngày một giảm, từ hơn 10.000 đồng/cp ban đầu nhưng đến 31/12/2018 giảm chỉ còn 834 đồng/cp.
Hàng trăm khách hàng khốn đốn khi mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark.
Trong báo cáo gửi lên Bộ Tài chính mới đây, Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) hé lộ nhiều thông tin về tình hình tài chính của Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land), chủ đầu tư dự án chung cư PetroVietnam Landmark.
Vốn điều lệ thực góp của PVC Land là 249,65 tỷ đồng, trong đó PVC góp 190,6 tỷ đồng giá trị mệnh giá, giá trị đầu tư là 203,79 tỷ đồng, tương đương 76,35% vốn điều lệ của PVC Land.
Theo báo cáo, việc PVC Land thua lỗ và phát sinh lỗ luỹ kế đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của PVC, cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại PVC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào PVC Land là 186,8 tỷ đồng/203,79 tỷ đồng giá trị đầu tư (khoảng 92%). Trước thực trạng trên, trong thời gian tới PVC Land sẽ tiếp tục thua lỗ và PVC sẽ phải tiếp tục trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này.
Do tình hình tài chính của PVC rất khó khăn như nêu trên, doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực hoàn thiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu PVC đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cũng như theo pháp luật chứng khoán.
“PVC là công ty niêm yết không được thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho PVC Land nên việc PVC thoái vốn của PVC Land là cấp thiết, giảm tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của PVC”, báo cáo nêu.
Mặt khác, theo PVC, nếu không thoái vốn tại PVC Land thì việc PVN thoái vốn tại PVC cũng gặp khó khăn.
Trường hợp PVC thoái vốn thành công tại PVC Land kèm theo các điều kiện ràng buộc bên tiếp nhận vốn góp về quyền và nghĩa vụ của PVC tại PVC Land và nghĩa vụ của PVC Land đối với khách hàng, ngân sách nhà nước sẽ tạo điều kiện để PVC Land hoàn thiện dự án, bàn giao căn hộ cho khách hàng, tránh khiếu kiện phức tạp kéo dài có thể dẫn tới phá sản PVC Land.
Thực tế, PVC đã 2 lần công bố thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thuê đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục thoái vốn tại PVC Land với mức giá khởi điểm tối thiếu là 10.692 đồng/cp (giá trị góp vốn ban đầu của PVC), tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại không có nhà đầu tư đăng ký/gửi thư quan tâm.
Theo PVC, hiện đã có một số nhà đầu tư bày tỏ nhu cầu góp vốn để tiếp tục triển khai dự án của PVC Land, tuy nhiên, các nhà đầu tư không chấp nhận mức giá mà PVC đưa ra do “quá cao và không phù hợp với thực tế”.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra, việc thoái vốn của PVC tại PVC Land vừa đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, lộ trình thoái vốn của PVC, đồng thời bổ sung dòng tiền hoàn thiện dự án bàn giao cho khách hàng, tránh khiếu kiện kéo dài, phá sản cũng như giảm thiệt hại vốn của PVC, hoàn thành nghĩa vụ nộp với ngân sách nhà nước, giải toả trách nhiệm liên đới của PVC với các khoản vay của PVC Land tại ngân hàng…
Theo đó, PVC kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, hỗ trợ PVC lựa chọn phương thức, trình tự, thủ tục thoái vốn phù hợp bảo đảm, công khai, minh bạch, chặt chẽ trong bối cảnh thực tiễn.
“PVC đã trích lập dự phòng tới 92% trị giá khoản đầu tư góp vốn tại PVC Land. Giá trị sổ sách của PVC Land ngày một giảm, cụ thể tại thời điểm 1/1/2018 là 2.853 đồng/cp, đến 31/12/2018 còn 834 đồng/cp. Như vậy, trong vòng 1 năm giá 1 cổ phần PVC Land đã giảm 2.019 đồng và có xu hướng tiếp tục giảm”, PVC cho biết.
Nếu không có phương án thoái vốn phù hợp, PVC cho rằng, tổng công ty có khả năng mất toàn bộ vốn góp tại PVC Land là rất cao trong khi PVC vẫn bị ràng buộc trách nhiệm tương ứng phần vốn góp tại PVC Land với ngân sách nhà nước, ngân hàng và khách hàng.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí