Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tăng trưởng âm

Cập nhật 14/09/2010 15:10

Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm (-) 2,35%, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất từ 13%/năm trở lên… là những bất cập trong hệ thống tài chính BĐS đang đe dọa tới thị trường BĐS.

Thị trường BĐS đã có sự chuyển hướng nhưng…

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đã có sự thay đổi. Các nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở có mức giá trung bình, diện tích nhỏ (mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn) để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, tăng tính thanh khoản của nguồn vốn đầu tư.


Nhà đầu tư chuyển hướng vào phân khúc thị trường giá trung bình (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 20/8/2009 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2.358 triệu Đô la Mỹ, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 2500 dự án khu đô thị mới. Trong đó, Hà Nội là hơn 800 dự án; TPHCM với 1.400 dự án; Hải Phòng có 260 dự án; Đà Nẵng là hơn 120 dự án đầu tư khu đô thị mới…

Tuy nhiên, tốc độ triển khai các dự án bất động sản vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là khâu đền bù giải phóng mặt bằng do chính sách liên tục thay đổi. Theo báo cáo của TPHCM, diện tích nhà ở xây mới năm 2009 chỉ đạt 4,05 triệu m2, thấp hơn nhiều so với bình quân khoảng 6 triệu m2/năm trong năm 2007 và năm 2008.

Tại Hà Nội thì còn bi đát hơn, rất ít dự án khu đô thị mới có quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm do phải rà soát lại khi triển khai lập đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng.

Đặc biệt, giá nhà ở nhìn chung vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát cũng như có sự biến động không đồng đều giữa các địa phương.

Nếu thị trường bất động sản ở Hà Nội và TPHCM có biến động mạnh thì thị trường bất động sản tại các thành phố khác không có biến động đáng kể. Ngay cả sự biến động của thị trường BĐS của Hà Nội và TPHCM cũng khác nhau.

Như ở khu vực Hà Nội tại thời điểm Quý II/2010 giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây thành phố (Quận Hà Đông, huyện Hoài Đức), giá cả căn hộ chung cư không tăng nhưng vẫn đứng ở mức cao, trong khi giá BĐS (đất nền, căn hộ chung cư) tại khu vực TPHCM hầu như không tăng, giao dịch chậm.

Nhà nước chưa thể được vai trò khi đất “sốt”

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chỉ ra những bất cập trong hệ thống tài chính bất động sản, một thị trường bị phụ thuộc rất lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng.

Bằng chứng là trong quý I và đầu quý II/2009 cùng với việc giải ngân gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, một đợt tăng giá ngắn đã diễn ra tại Hà Nội và TPHCM ít biến động.

Nửa cuối năm 2009, việc chờ đợi có tiếp tục gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ 4% lãi suất hay không, đã khiến thị trường bất động sản gần như không có biến động về giao dịch và giá cả.

Đến quý III/2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng cho thị trường bất động sản, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu đình trệ về giao dịch. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm (-) 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009.

Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất xấp xỉ 13%/năm hoặc cao hơn. “Điều này cũng cho thấy nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát luôn đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng cho phép thì khó có thể tạo dựng được một thị trường BĐS phát triển bền vững” - Bộ Xây dựng khẳng định.

Đáng chú ý, hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo "tin đồn", "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ biến. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư.

Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, đã dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư với khách hàng…

Trong khi đó, chúng ta thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐS phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành để ổn định thị trường. Điều đó lý giải vì sao việc đề xuất các giải pháp trong điều hành thị trường mới dừng lại ở mức xử lý tình huống, chưa phải những giải pháp cơ bản, toàn diện, lâu dài để điều chỉnh thị trường khi có biến động.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí