Nhà đầu tư vẫn chưa trở lại thị trường. Ảnh: D.Đ.M |
Huy động vốn từ các ngân hàng thương mại không tăng; Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng; dòng tiền trên thị trường chứng khoán (TTCK) chững lại ở mức thấp trong những phiên khai xuân... Câu hỏi đặt ra hiện nay là, dòng tiền hiện trú ẩn ở đâu?
Tiền ứ đọng
Thời hạn cuối cùng để các sàn vàng đóng cửa cuối tháng 3 nên từ trước Tết, một số sàn vàng đã lục đục đóng cửa. Những sàn còn hoạt động hiện nay cũng trong tình trạng vắng khách vì nhà đầu tư (NĐT) hầu hết đã tự động "rút" trước nếu không còn trong trạng thái.
Trước đó, thông tin sàn vàng đóng cửa đã dấy lên niềm hy vọng, dòng vốn từ thị trường này sẽ "chảy" sang TTCK, tạo động lực cho chứng khoán tăng điểm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Còn nhớ thời điểm trước Tết Nguyên đán, hàng loạt NĐT bán chứng khoán giữ tiền mặt dành cơ hội đầu tư sau Tết khi xu hướng trên thị trường đã rõ ràng. Tuy nhiên, sau một tuần khai xuân, TTCK vẫn hết sức ảm đạm.
Đặc biệt, dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu trở lại. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị giao dịch trong những phiên gần đây vẫn ở mức thấp, khoảng trên 1.000 tỉ đồng/phiên tại Hose, chỉ bằng 50% - 60% so với mức trung bình trước đó. So với thời điểm hoàng kim, có lúc giá trị giao dịch trên sàn này đạt 6.000 tỉ đồng thì con số này thực sự quá khiêm tốn. Và dễ dàng nhận thấy, chưa hề có dấu hiệu dòng tiền chảy từ các sàn vàng vào chứng khoán như kỳ vọng.
Cũng không hề có dấu hiệu tiền chảy vào BĐS vì giao dịch tại các sàn giao dịch BĐS cũng không mấy sôi động trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới. Rất nhiều dự án vẫn trong tình trạng ế khách. Đặc biệt, nhiều NĐT muốn bán BĐS những tháng đầu năm thường gặp khó khăn vì thanh khoản kém và những ngày đầu xuân năm 2010 cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn khó khăn và không gia tăng...
Chứng khoán "ngán" lạm phát
Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, dòng tiền "ở đâu vẫn nằm đó" nhưng không lưu thông. "Tiền được giữ trong tài khoản của NĐT, trong chứng khoán, trong ngân hàng... nhưng không ai hành động gì hết. Tôi có cảm giác dòng tiền đang ứ đọng mỗi nơi một chút mà chưa được lưu thông", ông Chí nói. Đây cũng là nhận định chung của giới phân tích khi tìm kiếm vùng trú ẩn của dòng tiền trong những ngày đầu năm vừa qua. Lý giải về sự ứ đọng của dòng tiền, ông Chí cho rằng, nguyên nhân là vì bức tranh triển vọng trong ngắn hạn của nền kinh tế không mấy sáng sủa khiến cho các NĐT, DN thấy uể oải. Trên TTCK, tâm lý bất an đang thống trị dẫn đến thiếu động lực, thiếu niềm tin để NĐT giải ngân.
|
Có thể nói, tình hình trên TTCK hiện nay đã thay đổi hoàn toàn ngược lại so với trước Tết Nguyên đán. Theo giới phân tích, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là nỗi lo lạm phát. Với chỉ tiêu lạm phát năm 2010 là 7% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm lên tới 3,35%, hết một nửa chỉ tiêu lạm phát. Vì vậy, nếu muốn giữ chỉ tiêu lạm phát (được cho là rất khó khăn) Ngân hàng Nhà nước phải có các động thái "hút" tiền vào. Hút tiền có nhiều cách nhưng việc hạn chế cung tiền ra thị trường thông qua việc hạn chế cho doanh nghiệp (DN) vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên, sức khỏe DN không tốt thì cổ phiếu không hấp dẫn... TTCK sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, hàng loạt các yếu tố đầu vào tăng dự báo sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các DN trong năm nay. Một NĐT chuyên nghiệp có tài khoản tại sàn Đông Á phân tích, nếu nhìn tổng quan kinh tế thế giới và trong nước năm nay rõ ràng thuận lợi hơn năm 2009 vì khủng hoảng đang đi qua. Năm 2010 được dự báo là năm của sự phục hồi. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ DN, năm 2010 có nhiều cái khó hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 nhiều DN được vay vốn ưu đãi lãi suất 4%, năm nay không còn. Đặc biệt, ngay từ đầu năm DN phải đối mặt với giá điện, giá nước, giá xăng... trong nước tăng. Giá nguyên liệu đầu vào nhiều mặt hàng trên thế giới cũng tăng mạnh so với năm 2009. Vì thế, khó khăn sẽ rất lớn.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản 8% như một tuyên bố ngầm "lạm phát vẫn nằm trong vòng kiểm soát". Tuy nhiên tuyên bố này chưa đủ "trấn an" NĐT dù thị trường sau đó cũng đã có phiên khởi sắc trở lại.
Trên thực tế, những khó khăn này không phải bây giờ mới có, TTCK đã từng phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tâm lý NĐT và yếu tố niềm tin. Yếu tố niềm tin được thổi vào sẽ khiến dòng tiền lưu thông qua lại trên nền kinh tế và sẽ tác động tích cực lên TTCK trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên