Dòng tiền đang dịch chuyển đi đâu?

Cập nhật 19/04/2012 08:30

Có thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ phục hồi với độ trễ lớn sau nền kinh tế Mỹ. Nhưng điều đó lại chẳng ngăn cản được các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản có bước tiến triển sáng lạn hơn, với tỷ lệ lợi nhuận cao hơn hẳn Hoa Kỳ.

Khi kênh vàng bị "bỏ rơi"


Kết thúc tháng 3/2012, Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ của quốc gia này tăng 0,8%, gấp gần ba lần so với mức dự báo trung bình mà 81 chuyên gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Cùng với số liệu số người đăng ký thất nghiệp vẫn theo chiều hướng giảm dần và tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 8,1% mà không tăng lên, Mỹ đã có thể tự hào vẫn giữ nguyên vị trí nền kinh tế đầu tàu của thế giới.

Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa cung cấp cho thị trường gói QE3 (Chương trình nới lỏng định lượng) như đã hứa từ cách đây một năm, song chỉ có duy nhất thị trường vàng tỏ vẻ thất vọng. Còn thị trường chứng khoán vẫn đều đặn tăng trưởng ở mức độ nhẹ, sau khi chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 10% so với đầu năm. Dòng tiền đã có khuynh hướng đổ vào tiêu dùng nhiều hơn, cũng như bất động sản của Mỹ đang được đánh giá là manh nha những tín hiệu hồi phục trong trung hạn.

Không khí phục hồi của kinh tế phương Tây và đặc biệt là những quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... đang như tạo nên một liều thuốc xúc tác cho nền kinh tế Việt Nam, vốn vẫn còn chìm trong "cơn ác mộng" của các doanh nghiệp phá sản, giải thể cùng con số thất nghiệp tăng vọt, tuy vẫn chưa được thống kê một cách đầy đủ.

Nhưng bất chấp vô vàn khó khăn từ các nhóm doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu, ở Việt Nam cũng ít nhất đã manh nha tín hiệu phục hồi từ... thị trường đầu cơ. Từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ số chứng khoán sàn Hà Nội đã phục hồi đến 45%, mang lại kết quả tăng trưởng từ gấp rưỡi đến gấp đôi con số đó cho vài trăm mã cổ phiếu. Điều đáng ngạc nhiên đối với giới đầu tư là ngoài việc nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi mạnh với nguyên do có thể hiểu được, hai nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng nhận được một dòng tiền "đánh sóng" đáng kể, cho dù kết quả kinh doanh quý 1/2012 của các doanh nghiệp của nhóm ngành này vẫn khá u ám.

Dường như dòng tiền đã bắt buộc phải tự chọn lựa trong bối cảnh chẳng có một kênh đầu tư nào khác. Từ đầu tháng 4/2012, khi một nghị định về quản lý kinh doanh vàng được Chính phủ chính thức ban hành, thị trường vàng đã chấm dứt những hoài bão cuối cùng của nó. Có thể nói, kênh đầu tư và cả đầu cơ vàng gần như đã bị đóng cửa, khi 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng miếng phải "tự nguyện" chuyển sang một hình thức kinh doanh mới là vàng nữ trang. Thậm chí, cả những thương hiệu vàng có tiếng như Rồng Thăng Long, AAA... cũng phải bắt buộc trở về dưới trướng của vàng SJC.

Sáu tháng dành cho sự chuyển đổi của các cơ sở vàng có thể được xem như một ân hạn, nhưng lại không phải là quá thoải mái. Các cơ sở kinh doanh vàng nhỏ lẻ đều tự hiểu ra một điều là giờ đây chỉ còn lại những "cá mập" lớn - Công ty độc quyền đương nhiên là SJC và một số ngân hàng thương mại kếch xù như Eximbank, Agribank, Vietinbank, ACB, MHB... mới có thể sở hữu hình thức kinh doanh vàng tài khoản mà Ngân hàng nhà nước dự kiến cho áp dụng nhằm thay thế "cơ chế" kinh doanh vàng ngoài chợ đen.

Hiển nhiên, dòng tiền đã bị chặn đứng tại kênh vàng. Không có điều kiện và cơ hội để tiếp tục lưu thông, một phần lớn tiền từ vàng đã bắt buộc phải tìm đến những miền đất hứa khác. Trước mắt nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp, đà tăng tiến không ngừng nghỉ của chứng khoán, với biên độ tăng trần 5% tại sàn HOSE và 7% tại sàn HNX cho mỗi phiên là một hấp lực quá mạnh mẽ, đủ để họ tự nguyện tung vốn liếng vào kênh này mà không đợi được "nhắc nhở".

Những kênh nào được "giải cứu"?


Tình hình càng "phát triển trong hoài nghi" khi Ngân hàng nhà nước liên tiếp hạ lãi suất trong chưa đầy một tháng. Cho dù về danh nghĩa, mức hạ trần lãi suất huy động 2%, từ 14% xuống 12%, không có ý nghĩa nhiều, nhưng vấn đề quan trọng nhất là xu thế bắt buộc phải giảm dần lãi suất cho vay để tăng lượng cung cho vay tại nhiều ngân hàng, do đang tồn ứ một lượng vốn quá lớn.

Chứng khoán, trong lịch sử của nó, lại không ít lần tạo nguyên lý "bình thông nhau" với thị trường bất động sản. Không phải mọi dòng tiền đều tự chọn cái cách kết tụ vào chứng khoán, nhất là khi thị trường này đã biểu hiện một cách quá đỗi tiêu cực, trong động thái bị đánh xuống quá khắc nghiệt vào năm 2011. Bài học xương máu mà các nhà đầu tư chứng khoán đã phải nhận lãnh cũng khiến cho những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi không thể bỏ tiền vào một giỏ. Một cái giỏ khác chính là nhà đất.

Không ngạc nhiên là sau động thái hạ lãi suất của Ngân hàng nhà nước, thị trường phân khúc nhà chung cư bình dân bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Từ Hà Nội đến TP.HCM, một số dự án chung cư có giá 13-14 triệu đồng/m2 trở xuống bắt đầu thu hút khách. Rõ nhất là loại chung cư có giá 9-10 triệu đồng/m2 như một dự án ở quận 9, TP.HCM.

Có thể trong vài ba tháng tới đây, người ta sẽ chứng kiến một sự thay đổi nào đó của nội tại thị trường bất động sản. Cái "nội tại" ở đây không phải là sự gia cố về nội lực của khối doanh nghiệp nhà đất, bởi xét về khả năng tiêu thụ vốn cũ và hấp thu vốn mới thì vẫn chưa có cải thiện gì đáng kể, nhưng dù sao một sự đổi thay nội tại về không khí giao dịch và lượng giao dịch cũng sẽ là điều quá tốt để các doanh nghiệp bất động sản có cơ may ít nhất trả được lãi vay cho ngân hàng.

Tâm lý những người cầm tiền thuộc giới tiêu dùng và giới đầu tư đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Sau khi Ngân hàng nhà nước chính thức phát đi thông điệp giải cứu thị trường bất động sản bằng công văn số 2056 về loại trừ thêm một số đối tượng bất động sản khỏi nhóm tín dụng "không khuyến khích", sự căng thẳng có lẽ đang tiến đến điểm nút.

Có thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ phục hồi với độ trễ lớn sau nền kinh tế Mỹ. Nhưng điều đó lại chẳng ngăn cản được các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản có bước tiến triển sáng lạn hơn, với tỷ lệ lợi nhuận cao hơn hẳn Hoa Kỳ.

"Dòng tiền thông minh", như một khái niệm trong kinh tế thị trường, hẳn phải biết tìm chỗ trú ẩn ở kênh đầu tư nào. Chỉ có điều vào năm suy thoái và đình đốn này, sự lựa chọn thông minh nhất có lẽ vẫn không nằm ngoài quan niệm làm sao để dòng tiền ấy không bị biến thành "dòng tiền dại".

Kênh đầu tư nào, chứng khoán hay bất động sản, cũng đầy hấp dẫn khi mặt bằng giá hoặc đang ở vùng đáy, hoặc đã giảm khá nhiều. Nhưng sóng lên bao giờ cũng được tiếp nối bởi sóng xuống. Và đó cũng là một tương lai mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tự dự báo được. Nếu không cẩn trọng, nhiều nhà đầu tư vẫn có thể bị "đứt tay" trong một thị trường đầu cơ lên giá.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam