Dòng FDI liệu có chảy chỗ trũng?

Cập nhật 21/05/2010 08:10

Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục bị hút vào lĩnh vực bất động sản. Bất chấp nhiều dự án bất động sản treo, các dự án quy mô lớn nhất được đăng ký mới từ đầu năm 2010 vẫn thuộc về lĩnh vực này, trong khi các khu công nghiệp lâm cảnh “chợ chiều”, ngành cơ khí trở thành vùng “trũng” FDI.

Bất động sản vẫn hút vốn

Có thể kể đến các dự án như Dự án Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ đầu tư 902,5 triệu USD xây dựng, kinh doanh Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Kho ngầm chứa xăng dầu tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD; Dự án Công ty TNHH đầu tư Daewon - Bình Khánh để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD; Dự án Công ty TNHH CZ Slovakia Việt Nam của nhà đầu tư Slovakia để kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Promenada Canany của Thái Lan với mục tiêu xây dựng, quản lý, vận hành 1 tòa nhà trung tâm thương mại để cho thuê với tổng vốn đầu tư 95 triệu USD…

Mới đây nhất, đầu tháng 4, Công ty Emerging Markets Group (Hoa Kỳ) vừa đề xuất một dự án quy mô đầu tư dự kiến lên tới 3 tỷ USD tại Vân Đồn, Quảng Ninh cũng trong lĩnh vực bất động sản, lưu trú.

Như vậy, mặc dù dòng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong quí I mới đạt khoảng 29% so với cùng kỳ năm 2009, khoảng 2,13 tỷ USD, sự hấp dẫn của thị trường kinh doanh bất động sản, khách sạn, khu lưu trú vẫn tiếp tục là lĩnh vực hút vốn mạnh nhất.

Nhưng… treo nhiều


Tuy nhiên, nhìn lại tình hình giải ngân, thì cũng chính lĩnh vực này lại chứa đựng tỷ lệ khá cao số dự án đang trong tình trạng treo và khó xử lý.

Chỉ tính riêng TP.HCM, đã có tới 40 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vố đăng ký là 1,77 tỷ USD vào bất động sản bị rút giấy phép với nguyên nhân chậm triển khai, hết thời hạn giấy phép, hay do công ty mẹ ở nước ngoài bị phá sản.

Không những thế, hàng loạt các dự án tỷ USD được cấp phép rầm rộ vào hai năm trước với khá nhiều kỳ vọng về sự “đổi đời” của nhiều khu vực cũng đang im hơi lặng tiếng.

Dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng tại Quảng Nam trị giá 4,15 tỷ USD dù được khởi công chỉ sau khoảng 1 tháng khi chủ đầu tư là Tano Capital, LLC và Global C&D, Inc. nhận được giấy chứng nhận đầu tư song cũng không đi xa hơn một thủ tục mang tính nghi lễ.

Dự án Thành phố Sáng tạo tại Phú Yên cũng chỉ rầm rộ trong khoảng vài tháng cuối năm 2009 với lời hứa sẽ khởi công ngay của chủ đầu tư Công ty Galileo Investment Group, INC (Hoa Kỳ) sau khi được cấp phép với vốn đăng ký giai đoạn 1 là trên 1,68 tỷ USD…

Có thể thấy rõ là tiềm năng và các khoảng trống của thị trường bất động sản tiếp tục là lý do hút vốn đầu tư, trong đó có dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hơn thế, nhìn về dài hạn, khi kinh tế Việt Nam hồi phục ở tốc độ tăng truởng GDP khoảng 7-8% thì nhu cầu về điều kiện sống tốt hơn sẽ kéo rộng dung lượng thị truờng bất động sản của Việt Nam. Cơ hội để tiếp tục thu lợi nhuận lớn từ thị trường bất động sản, nhà ở vẫn còn.

Cùng với đó, khu vực bất động sản liên quan tới văn phòng, du lịch, bất động sản khu công nghiệp, kết cấu hạ tầng cũng chứa đựng tiềm năng lớn từ một nền kinh tế đang chuyển mạnh sang giai đoạn 2 của sự phát triển, giai đoạn phát triển dựa trên năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Theo bình luận của ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, thì sự dồn vốn vào lĩnh vực này theo tính toán của nhà đầu tư hoàn toàn hợp lý.

Tuy vậy, nhìn vào tổng thể, hầu như các dự án bất động sản, khách sạn, lưu trú quy mô lớn lại nằm trong khu dân cư, đô thị lớn và cả trong các khu vực chưa có quy hoạch tổng thể… Chính điều này là một trong những lý do khiến nhiều dự án chậm và treo vì vướng giải phóng mặt bằng.

Loại trừ nguyên nhân do công tác quy hoạch vốn là điểm yếu cần phải có thời gian để cải thiện, thì năng lực của địa phương cùng thành tích với những con số thu hút đầu tư đã tạo nên tình trạng “gậy ông đập lưng ông” ở nhiều địa phương.

Hậu quả của cách thu hút đầu tư thiếu cẩn trọng, thiếu dự tính về khả năng giao đất sạch ở nhiều địa phương là những hệ quả xấu về xã hội, lãng phí về nguồn lực và cả những điều tiếng trong môi trường đầu tư không chỉ giới hạn trong một vài địa phương.

Khu công nghiệp “ế”, cơ khí “trũng” FDI

Nếu nhìn vào tỷ lệ hút vốn vào các khu công nghiệp trong năm 2009 cũng như trong các tháng đầu năm 2010 có thể thấy, dòng vốn FDI đổ vào sản xuất chế biến công nghiệp giảm rất mạnh. Nhiều khu công nghiệp lớn cũng buộc phải chấp nhận mức giảm 50% so với năm trước đó. Thậm chí, không ít khu công nghiệp buộc phải để đất trắng trong khi các khoản mục đầu tư hạ tầng đã được thực hiện. Nhiều khu công nghiệp khác bị dang dở do chi phí về đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao. Thực tế này đã ảnh hưởng rất lớn tới các kế hoạch về chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, cũng như các kế hoạch nâng cao năng suất trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành cơ khí là một trong những ngành lõi của công nghiệp vẫn chưa có những tiến bộ sau nhiều năm, khiến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều máy móc cho sản xuất, chế biến, mà hệ lụy là nhập siêu tăng cao. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, hạn chế lớn nhất hiện nay của ngành cơ khí là nguồn vốn hạn hẹp, thiếu trầm trọng lực lượng tư vấn thiết kế và đội ngũ thợ lành nghề khiến sản phẩm cơ khí trong nước thiếu tính cạnh tranh cả về mẫu mã và chất lượng.

Ông Đỗ Hữu Hào cho rằng, Nhà nước cần phải có chính sách tín dụng thỏa đáng để các doanh nghiệp cơ khí có cơ hội đầu tư phục vụ cho công tác nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động liên kết với các viện, các trường đại học để tiến hành nghiên cứu và đào tạo những kỹ sư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Riêng về phía cơ quan quản lý nhà nước, hướng đi trong thời gian này là khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án cơ khí chuyên về chế tạo các loại động cơ, chế tạo các sản phẩm cơ khí đồng bộ có hàm lượng chất xám cao sau đó sẽ dần chuyển giao lại cho phía Việt Nam.

Bài toán hút vốn FDI vào đâu rõ ràng không thể trông chờ vào sự tự điều chỉnh của các nhà đầu tư.

Xét về nguyên tắc, dòng vốn đầu tư này sẽ chỉ chảy đến những nơi thuận lợi nhất, sinh lời nhiều nhất, và rủi ro thấp nhất.

Vì vậy nếu “đòn bẩy” chính sách tốt có thể khơi thông luồng lạch, “nắn” dòng vốn FDI đi đúng định hướng phát triển hiệu quả và bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV News