Đồng bộ giải pháp mới chống được đôla hoá

Cập nhật 14/03/2011 10:10

Sau Hà Nội, hôm 10/3, thị trường ngoại tệ tự do tại TP.HCM và tại hầu hết các tỉnh, thành phố cũng bắt đầu “im ắng”.

Nguyên nhân đã phần nào được lý giải khi cơ quan công an công bố thông tin ngày 8/3 đã phát hiện, bắt giữ vụ mua bán trái phép 390,500 USD tại chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội.

Trao đổi với báo chí ngày 8/3, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong vài ngày tới, lực lượng liên ngành gồm nòng cốt là công an, quản lý thị trường và thanh tra ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm túc vi phạm tại các điểm thu đổi ngoại tệ, đặc biệt là những "chợ đôla" tự do vẫn tồn tại lâu nay trên địa bàn Hà Nội.

Như vậy, hoạt động kiểm tra, phát hiện, bắt giữ vi phạm trong kinh doanh ngoại tệ trái phép đã được các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch với quy mô lớn, quyết tâm cao. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng không quên lưu ý: "Báo chí nên tạo điều kiện để cơ quan công an thực hiện nhiệm vụ, làm lọt, lộ thông tin ra ngoài, cơ quan công an khó làm việc".

Đồng bộ giải pháp mới chống được đôla hoá.

Có vẻ như thống đốc ngân hàng Nhà nước đã hơi "lo xa", bởi rõ ràng, thị trường ngoại tệ tự do đã "đi trước một bước" trong đối phó với các cơ quan quản lý khi đồng loạt ngừng hoạt động hoặc rút vào "hoạt động bí mật" trước thời điểm kế hoạch tổng kiểm tra được công bố và chính thức triển khai.

Lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội nói thẳng: "Giới kinh doanh ngoại tệ tự do nắm thông tin còn nhanh hơn ngân hàng chúng tôi. Biết cơ quan quản lý chuẩn bị làm gắt, họ tạm nằm im nghe ngóng vậy thôi. Chiến dịch kiểm tra lắng xuống, rất có thể hoạt động trái phép này lại bung ra".

Nhận định của vị lãnh đạo ngân hàng không phải thiếu cơ sở, bởi đây không phải là lần đầu tiên cơ quan có trách nhiệm tuyên bố, thực hiện các biện pháp nhằm "dẹp" chợ ngoại tệ trái phép. Trong năm 2009, có tới hai "chiến dịch" tổng kiểm tra, xử lý hoạt động này được cơ quan chức năng triển khai (hồi tháng 4 và tháng 12), song số trường hợp vi phạm bị phát hiện, bắt giữ chỉ đếm trên đầu ngón tay với tính chất "cò con".

Nhưng đáng ngạc nhiên là, trong tất cả các đợt "ra quân" từ trước đến nay của lực lượng chức năng, những cơ sở "có tên tuổi" buôn bán trao đổi ngoại tệ trái phép chưa bao giờ bị phát hiện. Trong khi đó, theo nhiều người dân, không cần sử dụng nghiệp vụ cao siêu gì cũng có thể biết hoạt động mua - bán đôla tại các điểm thu đổi ngoại tệ của các đơn vị này, cũng như hầu hết các cửa hàng vàng bạc khác trên địa bàn thành phố!

Bởi vậy, với diễn biến có phần bất ngờ của thị trường ngoại tệ tự do hiện nay, doanh nghiệp, người dân phần nào kỳ vọng: thị trường này thu hẹp sẽ bớt đi mối lo bị đầu cơ, lũng đoạn; phần khác không khỏi lo lắng biết thu xếp ra sao với nhu cầu chính đáng, khi mà việc tiếp cận ngoại tệ từ ngân hàng rất khó khăn như hiện nay; rồi băn khoăn, cơ quan quản lý đủ sức duy trì diễn biến này trong bao lâu?

Và hơn cả là mong mỏi những cơ quan có trách nhiệm làm sao để giảm tình trạng đôla hoá nền kinh tế đang quá nặng nề, làm sao để nâng giá trị đồng tiền nội tệ, để nền kinh tế không bị cuốn vào những cơn sốt đôla, sốt vàng, sốt đất... đè thêm áp lực lên thu nhập eo hẹp của người dân?

Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, thừa nhận: "Không có nước nào trên thế giới để tình trạng đôla hoá nặng như Việt Nam" và "Một quốc gia thừa đôla - nghĩa là tổng thu ngoại tệ năm nào cũng dương - mà xảy ra tình trạng khan hiếm là lỗi của chúng ta".

Quả thực, nếu nhìn vào những giao dịch hàng ngày, ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực, chúng ta đều có thể đặt câu hỏi: "Cơ quan quản lý nhà nước làm gì, ở đâu trong thực hiện các quy định về chống đôla hoá?"

Bởi dù hệ thống văn bản pháp luật đã quy định khá đầy đủ, song tình trạng mua - bán ngoại tệ trái phép vẫn diễn ra công khai; tình trạng niêm yết, tính giá, giao dịch bằng ngoại tệ trong mọi loại hàng hoá, từ mua nhà, mua xe, thuê mặt bằng bán lẻ vẫn diễn ra phổ biến...

Một chuyên gia ngân hàng, người đã nhiều năm giữ vai trò lãnh đạo một vụ chức năng tại ngân hàng Nhà nước, cho rằng, để xảy ra tình trạng đó là do chúng ta "buông lỏng quản lý, nặng về xử lý tình huống và theo kiểu đầu voi đuôi chuột".

Theo ông, để chống đôla hoá, không thể chỉ "kêu gọi suông", mà trước hết phải xử phạt nặng trường hợp vi phạm. Cùng với đó, quan trọng hơn nữa là một giải pháp tổng thể nhằm nâng cao giá trị đồng tiền Việt Nam, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng kênh giao dịch chính thức là ngân hàng để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nền kinh tế.

Còn nếu chỉ nhăm nhăm thực hiện biện pháp hành chính trong khi VND liên tục mất giá, người dân mất lòng tin vào đồng nội tệ, thì họ vẫn tìm mọi cách để găm giữ đôla hoặc các tài sản tài chính khác. Và khi có cầu ắt có cung, hoạt động mua bán ngoại tệ chợ đen cũng sẽ vẫn tìm mọi cách để tồn tại.

Nghị quyết mới đây của Chính phủ đặt ra nhiều yêu cầu nhằm ổn định tỷ giá, từng bước giảm tình trạng đôla hoá, với mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chuyển động của thị trường ngoại hối những ngày qua là một tín hiệu tích cực, cho thấy nghị quyết của Chính phủ đã từng bước được triển khai. Người dân kỳ vọng, những biện pháp, hành động của ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan phải đồng bộ, nhằm giải quyết vấn đề một cách căn cơ và hiệu quả.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị