Tuần cuối tháng 10 đầu tháng 11/2018, hàng chục ngân hàng đón nhận những tin vui, mở ra triển vọng tươi sáng về một cái Tết "ấm no" hơn cho người lao động trong ngành.
Lợi nhuận nghìn tỷ
Tính đến thời điểm này đã có gần 30 ngân hàng công bố kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2018 với tổng mức lợi nhuận tăng trên 40% so với cùng kỳ. Con số này vượt xa mức kỳ vọng của toàn thị trường.
Có hơn một nửa số các ngân hàng đạt lợi nhuận tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Và cũng đáng chú ý, mới chỉ sau 9 tháng nhưng đã có rất nhiều ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm – điều hiếm thấy trong vòng gần chục năm trở lại đây. Có thể kể đến vài ví dụ như VietCapitalBank đạt lãi trước thuế 139 tỷ, hoàn thành 179% kế hoạch; MaritimeBank đạt 290 tỷ, hoàn thành 149%; VietBank 302 tỷ, hoàn thành 101%; Nam A Bank đạt 471 tỷ, hoàn thành 147%. Một số ngân hàng trong 9 tháng cũng gần chạm đích cả năm như Vietcombank, BIDV, Techcombank hay MB…
Có 15 trong số 26 ngân hàng đạt lợi nhuận từ nghìn tỷ trở lên, trong đó có ngân hàng lãi cao kỷ lục như Vietcombank, Techcombank. Cũng có thêm nhiều cái tên mới xuất hiện trong "câu lạc bộ" lãi nghìn tỷ như OCB, VIB, Eximbank và TPBank.
Nợ xấu giảm sâu, dự trữ ngoại hối tăng mạnh
Theo thông tin được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cung cấp tại kỳ họp thứ Sáu – Quốc hội khoá XIV đang diễn ra thì tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang giảm rất mạnh. Cụ thể, nợ xấu nội bảng hiện chỉ còn 2% trên tổng dư nợ, trong khi đầu năm là trên 2,5%. Còn nếu tính cả các khoản nợ đã bán cho VAMC, nợ xấu ngoại bảng, nợ xấu tiềm ẩn…thì nợ xấu chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 6,7% thay vì trên 10% cách đây 2 năm.
Bên cạnh đó, theo trả lời chất vấn trước Quốc hội của người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Lê Minh Hưng thì trong vòng hơn 1 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu khoảng 140 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng VAMC đã xử lý hơn 95 nghìn tỷ trong số đã mua.
Một thông tin nữa cũng được ông Lê Minh Hưng công bố trước toàn cử tri và nhân dân, đó là dự trữ ngoại hối của nước ta ở mức cao kỷ lục, nay đã trên 60 tỷ USD. Có được điều này là nhờ chính sách tiền tệ ổn định, niềm tin vào tiền VNĐ gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây Việt Nam đã không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, thị trường vàng ổn định và không gây bất ổn vĩ mô. Tình trạng sở hữu chéo đã giảm đáng kể trong khi hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng cũng đang diễn ra tích cực.
BIDV sẽ bán 17,65% cổ phần cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc
Ngân hàng BIDV tuần qua đã chính thức thông tin sẽ phát hành 17,65% cổ phần hiện tại cho Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc, tương đương với tỷ lệ 15% vốn sau phát hành, qua đó nâng vốn điều lệ lên trên 40.000 tỷ đồng (nếu được cổ đông đồng thuận). Đây là thông tin chắc chắn rất vui với không chỉ cán bộ ngân hàng BIDV mà còn là toàn bộ cổ đông, nhà đầu tư, đối tác của nhà băng này sau khi BIDV đã có một thời gian dài tới hơn 4 năm tìm kiếm đối tác nhưng đến nay mới thành hiện thực.
Sau thông tin về việc bán vốn cho ngân hàng Hàn Quốc, giá cổ phiếu của BIDV đã tăng liên tục, mức tăng hơn 17% chỉ sau 3 ngày.
VietinBank có chủ tịch mới, sắp tổ chức ĐHCĐ bất thường
Thêm một tin vui đến với ngân hàng Việt là tuần qua VietinBank đã công bố chủ tịch mới của ngân hàng là ông Lê Đức Thọ - người giữ chức Tổng giám đốc trước đó. Ông Thọ lên giữ chức ghế chủ tịch sau khi ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên chủ tịch ngân hàng, được Trung ương điều động về Quảng Ninh và sau đó được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 8/12 tới đây ngân hàng này sẽ có Đại hội cổ đông bất thường để cùng cổ đông bàn một số nội dung, trong đó có cả vấn đề nhân sự cấp cao.
Vietcombank được mở chi nhánh ở New York
Ngân hàng đang làm ăn tốt nhất ở Việt Nam là Vietcombank, ngoài mức lợi nhuận cao kỷ lục ghi nhận trong 9 tháng, còn đón nhận thêm nhiều tin vui khác, đó là thành lập ngân hàng 100% vốn tại Lào hồi trung tuần tháng 10 và được mở chi nhánh ở New York - trở thành ngân hàng Việt đầu tiên được mở chi nhánh tại thị trường tài chính số 1 thế giới này.
Techcombank - Ngân hàng đầu tiên được nới room tín dụng
Câu chuyện nới room tín dụng của ngành ngân hàng năm nay vô cùng "khắc nghiệt". Thông thường các ngân hàng sẽ nhận chỉ tiêu tín dụng đầu năm của NHNN, rồi khi dùng hết sẽ xin room để tăng tiếp. Thế nhưng trong năm nay, NHNN siết chặt hoạt động tín dụng với sự kiên quyết với kế hoạch đã đề ra. Tại chỉ thị số 04 hồi tháng 8, Thống đốc NHNN tái khẳng định sẽ không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ các ngân hàng tham gia tái cơ cấu trong năm 2018. Điều này khiến các nhà băng đã trót cho vay mạnh tay 6 tháng đầu năm phải "đứng ngồi không yên", thậm chí như LienVietPostBank còn phải điều chỉnh giảm 30% kế hoạch lợi nhuận mà cổ đông đã thông qua trước đó.
Thế nhưng mới đây Techcombank cho biết đã được NHNN đồng ý được chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20% - một thông tin hoàn toàn bất ngờ vì Techcombank, với các nguồn thông tin công khai chính thức thì không phải thuộc diện tham gia tái cơ cấu TCTD khác. Song dù với lý do gì thì đây cũng là tin vui để các ngân hàng khác có hi vọng được điều chỉnh room cho vay trong 2 tháng cuối cùng của năm, từ đó có thể tạo ra thêm nhiều lợi nhuận hơn trong báo cáo tài chính cả năm 2018.
Các ngân hàng tiếp tục được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm
Ngày cuối tháng 10, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã thông báo nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) đối với 12 ngân hàng Việt gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, ABBank, ACB, MB, OCB, TPBank, VIB, Techcombank, VPBank, HDBank.
Bên cạnh đó Moody’s cũng nâng xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn và xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn đối với 5 ngân hàng Việt Nam; nâng xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với 5 ngân hàng; nâng Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn (CRR) và Đánh giá rủi ro đối tác (CRA) của 8 ngân hàng Việt.
Riêng trường hợp Sacombank, mức triển vọng được Moody’s chuyển từ tiêu cực sang ổn định.
Động thái của Moody’s phản ánh kỳ vọng rằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và rõ ràng ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho chất lượng tài sản và lợi nhuận của các nhà băng.
Kỳ vọng một cái Tết ấm no hơn
Lợi nhuận gia tăng, hoạt động kinh doanh thuận lợi đã khiến các ngân hàng mạnh tay hơn trong việc chi lương và thưởng cho người lao động trong thời gian qua. Một nguồn tin của chúng tôi cho hay, dự kiến Tết nguyên đán năm nay mức thưởng của ít nhất 3 ngân hàng sẽ cao hơn năm ngoái. Trong đó lãnh đạo 1 ngân hàng có trụ sở ở phía Nam cho biết dự kiến mức thưởng Tết của nhà băng này sẽ vào khoảng 3-5 tháng lương tuỳ từng vị trí, trong khi các năm trước chỉ là 1-3 tháng lương.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ