Doanh nghiệp muốn "chạm tay" 30.000 tỷ phải được Bộ đề xuất

Cập nhật 17/07/2013 08:50

"Các DN muốn vay vốn 30.000 tỷ thì phải thông qua Bộ Xây dựng, thông qua NHNN để giới thiệu cho các ngân hàng thương mại, sau đó các ngân hàng thương mại xem xét. Còn người dân thì không cần phải qua Bộ, mà cũng không cần qua NHNN, cứ trực tiếp liên hệ với các DN và ngân hàng" - Ông Đỗ Đức Duy, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết.

Liên quan đến việc giải ngân gói 30.000 tỷ và đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng cho 30 dự án NOXH được phép vay vốn, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Duy, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng về những vấn đề này.

Ai giới thiệu giúp dân?

* Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất 30 dự án NOXH được vay nguồn vốn 30.000 tỷ đồng. Xin ông cho biết, 30 dự án này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng bao nhiêu căn hộ trong tương lai?

Ông Đỗ Đức Duy: Tổng công suất thiết kế của 30 dự án NOXH này vào khoảng 18.000 căn hộ. Tuy nhiên không có nghĩa là 18.000 căn hộ này sẽ được làm cùng một lúc mà theo từng phân đoạn. Sẽ có những dự án kéo dài, nhưng có những dự án thời hạn ngắn hơn và DN sẽ làm theo từng blog một.

* Đối với 30 dự án được đề xuất cho vay trong đợt I, NHNN và Bộ Xây dựng có quy định sẽ cho vay bao nhiêu, mức độ cho vay như thế nào không, thưa ông? Hay là do các DN tự đề xuất sau đó NHNN và Bộ Xây dựng xét duyệt?

Ông Đỗ Đức Duy: Cho vay bao nhiêu, mức độ thế nào thì do các ngân hàng thương mại được cấp phát nguồn vốn và cân đối với nguồn vốn tự có của ngân hàng để quyết định. Và việc cho DN vay là theo tiến độ của dự án, chứ không phải là một lúc giải ngân hết tất cả luôn.

Có thể có những dự án làm trong vòng nửa năm, nhưng cũng có dự án làm trong vòng 1 năm, 2 năm mới xong, cho nên mức giải ngân cụ thể là ngân hàng thẩm định từng dự án, sau đó quyết định xem giải ngân ở mức độ nào, theo tiến độ là bao nhiêu. Chứ không phải là các DN đưa ra bao nhiêu thì ngân hàng cấp phát cho bấy nhiêu. Và cũng chưa chắc là cả 30 dự án được đề xuất trong đợt I đã được vay hết, vì ngân hàng còn phải thẩm định, đủ điều kiện thì mới cho vay.

Về mặt nguyên tắc thủ tục, 30 dự án này đầy đủ về thủ tục đầu tư xây dựng nên Bộ Xây dựng giới thiệu sang Ngân hàng. Còn khi vay thì phải có phương án trả nợ vay, nếu phương án không khả thi thì chưa chắc ngân hàng đã giải ngân. Nên không thể nói trước được là 30 dự án này sẽ được vay hết.

Sau hơn một tháng triển khai, mới có BIDV và Vietcombank ký được 20 hợp đồng với khách hàng cá nhân. Tổng giá trị 20 hợp đồng này khoảng 10 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào.

* Cho đến thời điểm hiện nay (ngày 15/7) đã có bao nhiêu khách hàng là người thu nhập thấp thuộc đúng đối tượng gói 30.000 tỷ được vay vốn mua NOXH, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Duy: Tuần trước Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các ngân hàng, đề nghị các ngân hàng cung cấp số liệu đã cho vay, nên trong một thời gian ngắn nữa sẽ có số liệu này, Bộ Xây dựng và NHNN sẽ cung cấp.

Bởi vì đây là giai đoạn đầu nên đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, thẩm định dự án, thẩm định phương án vay... và số liệu thay đổi từng ngày, từng tuần nên sẽ được cập nhật thường xuyên để Bộ và NHNN nắm được.

* Theo nhiều nguồn tin, số lượng khách hàng được vay tính cho đến thời điểm này là chưa quá 20 người. Vậy 20 khách hàng đó là đối tượng của 70% gói 30.000 tỷ, so sánh với 4 dự án NOXH đã được giải ngân và 30 dự án NOXH mới được đề xuất để vay vốn, chỉ chiếm có 30% gói 30.000 tỷ thì có phải quá khập khiễng không thưa ông? Phải chăng chúng ta đang quá chú trọng vào việc hỗ trợ vốn cho DN mà chưa tập trung vào đối tượng chính chiếm 70%?

Ông Đỗ Đức Duy: Không phải như vậy. Khách hàng chỉ được vay khi mà có ký kết hợp đồng với các DN, các chủ đầu tư.

30 dự án này là các dự án được đề xuất để xem xét cho vay. Trong văn bản của Bộ Xây dựng cách đây 1 - 2 năm cũng đã hướng dẫn các DN là nếu có khách hàng đăng ký mua sản phẩm thì cố gắng giới thiệu để khách hàng và DN cùng vay ở một ngân hàng.

Vậy nên trước hết là phải có dự án, và phải triển khai các thủ tục để bán được rồi, ký hợp đồng được rồi thì người dân mới được vay.

Còn danh sách 30 dự án này là các dự án đủ điều kiện để áp dụng gói hỗ trợ này, chứ không thể nói được rằng chỉ cho vay dự án và không cho người dân vay. Thế là không đúng. Nhìn nhận như thế là hơi phiến diện.

Cứ liên hệ trực tiếp

* Có nghĩa là trước mắt chúng ta cần phải tập trung cho các dự án NOXH được xây dựng trước, để có cái cho người dân ký hợp đồng đã, sau đó chúng ta mới tiếp tục đến khách hàng, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Duy: Cũng không phải là tập trung cho DN vay trước mà việc này phải làm đồng thời song song. Nhưng nên hình dung là để một dự án được cho vay thì phải đảm bảo các điều kiện quy định tại các thông tư, hướng dẫn của Nghị quyết 02. Và các Thông tư này quy định là các DN phải thông qua Bộ Xây dựng, thông qua NHNN để giới thiệu cho các ngân hàng thương mại, để các ngân hàng thương mại xem.

Còn người dân thì không cần phải qua Bộ, mà cũng không cần qua NHNN, cứ trực tiếp liên hệ với các DN và ngân hàng. Vậy nên không thể nói là phải cho DN vay trước rồi mới cho người dân. Không phải như vậy. Việc này là tiến hành song song.

Nhưng cũng có trường hợp có thể người dân được vay trước cả DN, nếu như đáp ứng đủ điều kiện. Hai đối tượng này là độc lập nhau. Người dân đáp ứng đủ điều kiện thì người dân được vay, DN đáp ứng đủ điều kiện thì DN được vay. Còn hạn mức vay thì NHNN đã quy định rồi, 30% cho DN và 70% là cho người dân. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ đấy.

* Hiện nay có quá nhiều DN muốn vay để xây dựng NOXH nhưng chỉ có 9.000 tỷ, cũng có ý kiến lo ngại số tiền này ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp thuộc Bộ hoặc có quan hệ tốt với Bộ?

Ông Đỗ Đức Duy: Vấn đề này rất khó để có được câu trả lời thỏa đáng. Như Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã nói, đây là vốn mồi. Từ vốn mồi này sẽ kích cầu để huy động các nguồn lực khác, kể cả nguồn lực trong dân và nhiều nguồn lực nữa. Chứ không thể tất cả các dự án NOXH mà đều được vay vốn hết thì không có. Khả năng của NHNN, của Chính phủ không thể đáp ứng được hết các dự án.

Chúng ta không nên đặt vấn đề là tất cả các dự án đều phải vay từ nguồn này. Có thể chỉ cần hưởng những ưu đãi về chính sách thuế, về tiền sử dụng đất, hoặc các nguồn vốn thương mại khác, chứ không phải là duy nhất tiếp cận gói này. Mà gói tín dụng này là có thời hạn, chứ không phải là mãi mãi.

* Thời gian qua, nhiều người phản ánh hồ sơ, thủ tục vay vốn 30.000 tỷ quá khó khăn, phức tạp và quá nhiều. Trong khi đó, dường như thủ tục cho vay với các DN lại có vẻ đơn giản và dễ dàng hơn. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Đỗ Đức Duy: Nói về thủ tục, ngoài các Thông tư của Bộ Xây dựng và NHNN thì cuối tháng 6 vừa qua đã có văn bản 1250 đã hướng dẫn đầy đủ các quy trình, thủ tục, điều kiện để DN và người dân được vay, thì bây giờ chúng ta cứ thực hiện theo văn bản đấy.

Còn bây giờ, để xác nhận điều kiện nhà ở thì bắt buộc phải có cơ quan Nhà nước nào đó xác nhận. Chứ ngân hàng và DN không thể nào biết được những cái này. Tôi cho rằng đây là điều tất yếu, bắt buộc phải làm để tránh trường hợp đầu cơ, lợi dụng chính sách Nhà nước.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

TP.HCM: Chưa có khách hàng nào được giải ngân gói 30.000 tỷ

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM cho biết việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà giải ngân chậm.

Sau hơn một tháng triển khai, mới có BIDV và Vietcombank ký được 20 hợp đồng với khách hàng cá nhân. Tổng giá trị 20 hợp đồng này khoảng 10 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào.

Ông Minh cho rằng, khó giải ngân lượng lớn trong thời gian sớm vì việc xác định thực trạng nhà ở, thu nhập của cán bộ công chức, hoặc người dân có nhiều khó khăn. “Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM đã làm việc với sáu quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, nhưng khách hàng còn nhiều ngỡ ngàng, nên cần có sự tập huấn, chỉ đạo thêm từ phía chính quyền, bộ Xây dựng”, ông Minh nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt