Doanh nghiệp BĐS tìm lời giải bài toán vốn vay

Cập nhật 25/08/2008 11:00

Theo tính toán của giới chuyên môn, để hoàn thành một dự án bất động sản (BĐS), thông thường, vốn tự có của chủ đầu tư chỉ khoảng 20%-30%. Số vốn này chủ yếu để thực hiện các vấn đề về thủ tục cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Riêng phần triển khai dự án và các công đoạn còn lại, chiếm tới 70% - 80% tổng nguồn vốn, chủ đầu tư phải đi vay ngân hàng. Tháng 8 là thời điểm các khoản vay của doanh nghiệp (DN) BĐS đến kỳ đáo hạn nhiều nhất. Trong khi đó, ở thời điểm này, do đang kẹt vốn, nhiều dự án ngưng trệ, giá BĐS dự báo sẽ còn sụt giảm..., khả năng trả nợ đúng hạn của DN BĐS rất thấp.

Vay nóng?

Ngay khi bước vào giữa tháng 8, trên thị trường đã xuất hiện những lo ngại về một đợt giải chấp lớn của các ngân hàng liên quan đến những khoản vay BĐS của DN.

Do phải giải quyết vấn đề nợ xấu và nhằm bảo đảm tính thanh khoản, nhiều ngân hàng đã ráo riết thúc ép, thu hồi nợ của DN. Trước tình hình đó, một số thông tin cho rằng đã có những DN phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng.

Một chủ đầu tư BĐS cho hay, đó là những DN “nhảy” vào thị trường này đúng thời điểm “sốt”. Khi đó, họ cho rằng cứ kinh doanh BĐS là thắng và tìm cách vay được vốn ngân hàng, nhân thời điểm các ngân hàng còn dễ dãi đối với các khoản vay BĐS.

Thực tế, năng lực tài chính của những DN này rất yếu. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Để giữ lại BĐS, tránh bị giải chấp, họ buộc phải xoay xở tìm vốn bên ngoài để trả nợ. Đương nhiên, lãi suất vay sẽ rất cao.

Một luật sư cho biết ông đã nhận được một số lời đề nghị tư vấn của khách hàng về việc vay vốn. Tuy nhiên, chưa có vụ nào thành công, bởi hai nguyên nhân: phía DN vay thường đòi hỏi khoản vay khá lớn; phía cho vay lại đưa ra mức lãi suất quá cao.

“Thực tế cho thấy, chỉ với lãi suất 21% khi vay vốn tại các ngân hàng, DN đã gần như không thể chịu đựng nổi. Trong khi nếu vay nóng bên ngoài, họ phải chịu lãi suất cao hơn lãi suất tại các ngân hàng rất nhiều, thời hạn vay lại ngắn. Như vậy thì rủi ro quá lớn. Đứng trên góc độ một người tư vấn, tôi cũng khuyên khách hàng của mình nên xem xét lại và tìm biện pháp khác” - ông này nói.

Tìm đối tác để bán nợ

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, khó khăn nhất của các DN BĐS hiện nay là vấn đề nguồn vốn để trả nợ ngân hàng.

Vì thế, vào thời điểm này, các ngân hàng và DN BĐS nên ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ. Nếu để xảy ra tình trạng giải chấp, cả hai bên đều thiệt và để hoàn thành việc giải chấp cũng không phải là việc đơn giản.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã gần hết tháng 8 nhưng vẫn chưa xuất hiện tình trạng giải chấp BĐS như nhiều người lo ngại. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TPHCM cho biết hầu hết các ngân hàng đều chưa có động thái thu hồi nợ ráo riết, trừ một vài trường hợp nếu xét thấy khả năng trả nợ quá thấp.

Ông này cho biết ngân hàng của ông đang xem xét gia hạn thêm thời gian trả nợ cho DN. Tuy nhiên, thời gian bao lâu phải tùy thuộc thực trạng tài chính của từng DN. Hơn nữa, hầu hết các DN BĐS vay vốn đều là những khách hàng quen thuộc, ngân hàng cũng cần giữ được các mối quan hệ.

Đối với các khoản nợ của những DN có “sức khỏe” yếu, một số ý kiến cho rằng thay vì giải chấp, các ngân hàng đang tìm đối tác để mua lại những khoản nợ đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây cũng là một trong những biện pháp tháo gỡ được khó khăn cho cả ngân hàng và DN BĐS. Bên cạnh đó, một số DN BĐS cũng kiến nghị nên sửa đổi Nghị định 135 quy định về điều kiện huy động vốn của khách hàng để thực hiện dự án, không nên ràng buộc DN phải xây xong phần móng mới được bán suất cho khách hàng.

Có thể bán đấu giá các khoản nợ

Theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề mua - bán nợ của các tổ chức tín dụng, ngoài các khoản nợ đã có thỏa thuận không được mua - bán; bên mua và bên bán có thể tự thỏa thuận với nhau để mua - bán một phần, hoặc toàn bộ khoản nợ, theo mức giá thỏa thuận trực tiếp hoặc thông qua môi giới.

Việc chuyển giao khoản nợ được tiến hành đồng thời với việc chuyển giao các nghĩa vụ của bên nợ, bên mua nợ, bên bán nợ đối với các khoản nợ. Các khoản nợ có thể bán theo phương thức đấu giá.


Theo Người Lao Động