Đến hôm nay, nhiều ngân hàng đã công bố mức cho vay với DN (DN) sản xuất ở mức 17-19%. Động thái này khiến DN sản xuất mừng còn DN phi sản xuất vẫn thở dài. Tuy nhiên, bằng chiêu lách luật riêng, số tiền DN phải trả ngân hàng cao hơn thế.
Doanh nghiệp sản xuất được vay với mức 17%-19%, nhưng doanh nghiệp BĐS phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều.
Chiêu “lách luật” vượt trần của ngân hàng
Đại diện một DN trong lĩnh vực sản xuất dầu khí cho biết, hiện nay các DN muốn vay được nguồn vốn từ ngân hàng với mức lãi suất cao hay thấp phải phụ thuộc mối quan hệ của DN với ngân hàng đó.
Điều đáng nói, có thể trên hồ sơ vay vốn, mức lãi suất vay vẫn là 17 – 19%, tuy nhiên các Ngân hàng lại tìm cách lách luật ở khoản mục khác. Do vậy, lãi suất thực tế được vay nếu có quan hệ tốt cũng ở mức 19,5 – 20%, thậm chí nhiều DN phải chấp nhận với mức trên 20%.
Vị đại diện DN lấy dẫn chứng về chiêu “lách luật” của các ngân hàng, khách hàng khi vay vốn tại một ngân hàng, vẫn được làm các thủ tục vay bình thường với mức lãi suất ghi trên giấy là 17 - 19%/năm.
Nhưng các ngân hàng đều có một phòng khác, phòng quản lý tài sản, thậm chí các ngân hàng lớn còn thành lập cả một trung tâm quản lý tài sản. Sau khi ký với ngân hàng xong, khách hàng phải ký thêm một hợp đồng phí quản lý tài sản đảm bảo với phòng (hoặc trung tâm) này, tính phí bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng số vốn vay và thu một lần.
Hợp đồng này ký với Giám đốc trung tâm quản lý tài sản, tách ra hẳn với hợp đồng tín dụng vay vốn của ngân hàng, do vậy không có đủ căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm vượt trần lãi suất. Nhưng thực tế hai hợp đồng đó là một, đó chỉ là chiêu lách luật của các ngân hàng.
Điều đáng nói, một số lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các ngân hàng còn hứa áp dụng lãi suất thấp hơn thế 1-2%. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là lời hứa, còn thực tế, mức lãi suất các DN này vay vẫn cao hơn so với quy định.
Chia sẻ trên báo chí, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội DN trẻ Bình Phước, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay, các DN chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (thuộc diện ưu tiên vay lãi suất ưu đãi) vẫn phải vay với lãi suất 19,5% một năm chứ chưa hề giảm.
"Trong khi đó, số được xét duyệt vay vốn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Hùng nói.
Ông Hùng lấy dẫn chứng về khó khăn của các DN chăn nuôi, với một dự án chăn nuôi vay khoảng 30 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu khoảng 600 triệu đồng, trước kia chi phí lãi vay khoảng 300 triệu, trừ các chi phí khác DN vẫn có lời chút ít. Nay với mức lãi suất 19,5% một năm, chi phí trả lãi đã ngốn sạch số tiền 600 triệu đồng. Chính vì vậy, 10 đơn vị sản xuất thì đã có tới 8 nơi phải đóng cửa nghỉ vì không chịu nổi mức lãi vay quá cao.
Doanh nghiệp bất động sản thở dài
Kêu khổ nhiều nhất về tín dụng, có lẽ là các DN bất động sản. Hạn chế tín dụng với các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản (BĐS) đã gây không ít xáo trộn đối với thị trường. Nhiều ngân hàng "đóng cửa" với các khoản vay liên quan đến nhà đất, một số lại đẩy lãi suất lên cao làm nhiều nhà đầu tư phải đứng ngồi không yên với các dự án đang triển khai.
Giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội than, mặc dù mức trần vay lãi suất là thế, nhưng việc vay được vốn đối với DN bất động vẫn rất khó khăn. Do bị liệt là lĩnh vực phi sản xuất, do đó, lãi suất cho vay thường bị đẩy lên rất cao. Theo tiết lộ của vị giám đốc này, mức vay thường trên dưới 30%.
“Doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó. Chấp nhận mức lãi suất cao nhưng để vay được vốn từ ngân hàng cũng rất khó. Có anh bạn tôi tâm sự: Nếu tạm ngừng sản xuất, cắt giảm nhân sự, cho công nhân nghỉ thì mỗi tháng lỗ dưới 10 tỷ đồng. Nhưng nếu tiếp tục vay vốn sản xuất thì lỗ ít nhất cũng trên 10 tỷ đồng/tháng”, vị giám đốc DN bất động sản chia sẻ.
Không có vốn, biểu hiện rõ nhất trên thị trường địa ốc hiện nay là nhiều dự án phải giãn tiến độ, chưa đưa ra sản phẩm trong giai đoạn này. Một số DN bất động sản thì chuyển sang đầu tư có chọn lọc và thận trọng trong quyết định đầu tư.
Trong khi đó, theo bà Đinh Thị Kim Anh, Trưởng phòng tư vấn pháp luật, ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cho rằng, việc thực hiện chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất không hẳn là hình thức, cụ thể tại Maritime Bank, ngay sau khi có chỉ thị, ban giám đốc Ngân hàng đã có buổi họp để tuyên truyền thực hiện và hiện tại vẫn đang thực hiện.
Cũng theo bà Kim Anh, từ khi mức lãi suất cho vay được hạ xuống mức 17 – 19%, đã nhận được sự quan tâm rõ rệt của các DN. Cụ thể, số lượng DN đến ngân hàng giao dịch tăng lên đáng kể.
“Các DN đề xuất mức vay với lãi suất mới hoặc thăm dò mức vay mới. Những người đã vay với mức lãi suất cũ thì muốn đàm phán hoặc tất toán khoản vay, để thực hiện khoản vay mới với mức lãi suất mới”, bà Kim Anh cho biết.
Còn theo ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam, việc giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% cũng tạo rất nhiều áp lực đối với các ngân hàng, nhất là những ngân hàng không ổn định về tiềm lực tài chính.
Cũng theo ông Tiền, tình hình lãi suất trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán trước nên chưa thể giảm nhanh lãi suất cho vay được. Việc áp dụng đúng mức vay theo quy định không phải tất cả các DN đều được hưởng. Có những ngân hàng chỉ chọn một số DN cho vay và công bố công khai, thường là DN lớn và là khách hàng “ruột”, còn các DN nhỏ và vừa thì gần như không được hưởng mức lãi suất đó.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News