Nhẹ nhàng vượt qua mốc 1.000 điểm vào tuần trước, thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng lên gần mốc kháng cự MA200…
1. TTCK Việt Nam tiếp tục ghi nhận một tuần giao dịch "suôn sẻ"
Nhiều đồn đoán về một tuần giao dịch giằng co đã không diễn ra khi tâm trạng tích cực sau khi thị trường trở lại mốc 1.000 điểm tiếp tục được nối dài sang tuần cuối cùng của tháng 9.
Chỉ số đại diện cho Sở HoSE ghi nhận 3 phiên giao dịch tăng điểm trong tổng số 5 phiên giao dịch trong tuần. Chốt tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 1.017,13 điểm, tăng 1,41% so với đầu tuần. Trong khi đó, HNX cũng giữ được sắc xanh với mức tăng 0,4%, dừng tại 116,28 điểm.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Tính từ mức đáy xác lập đầu tháng 7, đến nay VN-Index đã tăng gần 130 điểm, tương đương gần 15%. Lần trở lại mốc 1.000 điểm này đang mang nhiều sắc thái tích cực hơn khi dòng tiền có sự lan tỏa và nhận được đồng thuận từ thị trường. Phiên giao dịch đầu tuần kết thúc với mức tăng 6,55 điểm, VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên. Đà tích cực được duy trì trong những phiên sau đó khi những phiên giảm điểm ghi nhận với biên độ hẹp, trong khi những phiên có sắc xanh được nới rộng khoảng cách.
Tương tự như dự báo của nhiều thành viên thị trường, sự phân hóa tiếp tục là diễn biến chính trong tuần vừa qua, thể hiện rõ ràng trên bảng điện khi VN-Index tăng điểm nhưng không phải tất cả đều hưởng lợi. Tâm điểm của tuần, cùng giống như những tuần gần đây, nằm ở nhóm vốn hóa trung bình (midcap).
Dầu khí tiếp tục là nhóm cổ phiếu thu hút sự quan tâm trên thị trường. Mặc dù nhóm này chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nhưng nhìn chung từ đầu tuần, đây vẫn là nhóm cổ phiếu thu hút được dòng tiền. Những mã được quan tâm như PVD, PVS, PVX, PXS, PVT, GAS, BSR… đều ghi nhận mức tăng mạnh đầu tuần và chỉ bắt đầu hạ nhiệt trong hai phiên cuối tuần. Nhóm ngân hàng có sự phân hóa mạnh khi những cổ phiếu nhóm đầu như VCB, CTG, BID có sự biến động trong biên độ hẹp nhưng nhóm ngân hàng tầm trung như TCB, HDB hay VPB ghi nhận mức tăng khá tốt.
Nhóm bluechip dù không còn là tâm điểm của dòng tiền, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự dịch chuyển của chỉ số. Sự luân phiên những cổ phiếu chủ chốt như VHM, VRE, PNJ, MWG, PLX, VJC, BVH, FPT giúp thị trường không chịu biến động quá mạnh.
Sau một tuần giao dịch sôi động chốt lại hợp đồng VN30F1809, thị trường phái sinh đã có dấu hiệu trở lại mức bình thường với hợp đồng tháng 10. Trước sự hồi phục của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh long tại ngưỡng hỗ trợ ở mỗi nhịp điều chỉnh diễn ra ngay trong phiên. Tính đến phiên cuối cùng của tháng 9, mức chênh lệch giữ hợp đồng VN30 tháng 10 với chỉ số cơ sở khoảng 7 điểm.
2. Thị trường thế giới nối tiếp đà tăng ngoại trừ châu Âu
Các chỉ số chính của thị trường Mỹ tiếp tục không đồng thuận trong tuần thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite tăng điểm vững chắc, đóng cửa ở 8.046 điểm (tăng 1,3%), trong khi hầu hết các chỉ số khác đều giảm: chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.913 điểm (giảm 0,3%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.458 điểm (giảm 0,9%).
Cùng với cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu của người tiêu dùng tăng vượt trội so với các nhóm ngành khác, trong khi cổ phiếu vật liệu và tài chính giảm. Kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư. Trong cuộc họp chính sách mới nhất, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% và dự báo sẽ tiếp tục tăng vào năm sau.
Hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu mất điểm vào cuối tuần sau khi chính phủ liên minh của Ý đồng ý với mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2019 lớn hơn dự kiến là 2,4%, gấp ba lần kế hoạch trước đó. Quyết định này có thể sẽ khiến cả ba cơ quan xếp hạng tín dụng chính hạ cấp đối với Italy và đưa nước này về mức tiêu cực.
Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.510 điểm (tăng 0,3%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.246 điểm (giảm 1,1%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.493 điểm (tăng 0,2%). Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp Châu Âu đã giảm trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm và đạt mức thấp nhất trong hơn một năm.
Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 24.120 điểm (tăng 1,05%). Chỉ số TOPIX Index cũng tăng trong tuần, đóng cửa ở mức 1.817 điểm (tăng 1,1%). Đồng yên giảm so với đô la Mỹ, đóng cửa ở mức 113,43 yên/ đô la Mỹ.
Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trong tuần khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham gia đàm phán thương mại song phương. Ông Trump đã tổ chức một bữa ăn tối làm việc với ông Abe vào Chủ Nhật để bàn bạc về việc giải quyết các vấn đề thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng, ông Abe khẳng định rằng Nhật Bản luôn muốn có một mối quan hệ "cùng có lợi" với Mỹ.
Chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc nối tiếp đà tăng của tuần trước. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.821 điểm (tăng 3,2%) trong khi chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.788 điểm (tăng 0,3%).
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục sẽ đóng cửa tuần đầu tiên của tháng 10 cho kỳ nghỉ Quốc khánh. Trong khi đó, MSCI và FTSE Russell đã thông báo rằng mỗi công ty đã chuẩn bị tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc cho các chỉ số của họ bắt đầu vào năm tới. Tin tức này đã khôi phục niềm tin của nhà đầu tư với thị trường Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ đang tiếp tục gia tăng.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ