Đến cuối năm 2019, Công ty Vịnh Thiên Đường, chủ đầu tư ALMA resort lỗ lũy kế 313 tỷ đồng

Cập nhật 31/07/2020 10:03

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 với số lỗ gần 168 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 313 tỷ đồng.



Năm 2019 lỗ lũy kế 313 tỷ đồng

Năm 2019, Công ty Vịnh Thiên Đường ghi nhận doanh thu cả năm 2019 là 19,7 tỷ đồng, tương đương năm 2018, nhưng giá vốn hàng bán lên đến 58,45 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm mạnh còn hơn 9,3 tỷ đồng, giảm 70%. Trong khi đó, chi phí tài chính ghi nhận gần 68 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với năm 2018, chủ yếu do tăng khoản chiết khấu thanh toán cho khách hàng lên 61,6 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 80,6%, ghi nhận 82 tỷ đồng, bao gồm phí quản lý 34,8 tỷ đồng (phát sinh theo Thỏa thuận giữa Công ty Vịnh Thiên Đường và Blenheim Properties, bên liên quan, liên quan tới dịch vụ quản lý do bên liên quan cung cấp); các chi phí nhân viên, dịch vụ thuê ngoài, phí ngân hàng đều tăng mạnh.

Kết quả, Vịnh Thiên Đường lỗ thuần 179 tỷ đồng, dù có khoản thu nhập khác 24 tỷ đồng (chủ yếu là tiền phạt nhà thầu do vi phạm hợp đồng 16,7 tỷ đồng), nhưng không đủ để giúp cho Công ty thoát lỗ. Kết quả, lỗ sau thuế doanh nghiệp lên đến 167,8 tỷ đồng, tiêu cực hơn số lỗ 43 tỷ đồng năm 2018.

Trong năm 2018, Vịnh Thiên Đường ghi nhận khoản tăng vốn góp từ chuyển đổi các khoản vay thêm 330 tỷ đồng, qua đó nâng vốn góp của chủ sở hữu lên 435,67 tỷ đồng và giữ nguyên trong năm 2019. Chủ sở hữu bao gồm Công ty Elgin Investments Pte.Ltd một công ty thành lập tại Singapore, sở hữu 98,77% và một chủ sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, do công ty vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế 313 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 122,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Blenheim Properties Group - một công ty thành lập ở British Virgin (được xem là thiên đường thuế), sở hữu 88% vốn điều lệ Công ty Elgin Investments Pte.Ltd.

Doanh thu chưa thực hiện dài hạn lên đến 4.406,6 tỷ đồng

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản 6.435 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn của Vịnh Thiên Đường giảm 41%, ghi nhận 627 tỷ đồng, chủ yếu do giảm 179 tỷ đồng ở khoản mục tiền và tương đương tiền (ghi nhận 477 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 87%, ghi nhận hơn 42,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, tài sản dài hạn lại gấp 2,5 lần so với thời điểm cuối năm 2018, ghi nhận hơn 5.798 tỷ đồng, tập trung ở khoản mục tài sản cố định tăng vọt lên 4.039 tỷ đồng, gấp 3,5 lần. Nguyên nhân chính là trong năm, Vịnh Thiên Đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình xây dựng, máy móc thiết bị của Khu nghỉ dưỡng ALMA nên chuyển từ Chi phí xây dựng cơ bản dở dang thành tài sản cố định trong năm.

Trong cơ cấu nguồn vốn, Vịnh Thiên Đường không phát sinh khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn (năm 2018 không đáng kể). Tuy nhiên, Công ty có ghi nhận khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn lên đến 4.406,6 tỷ đồng, gấp 1,73 lần năm 2018.

Theo Vịnh Thiên Đường, đây là số dư của khoản mục người mua trả tiền trước dài hạn, bao gồm tiền nhận trước theo tiến độ từ khách hàng mua Quyền sở hữu kỳ nghỉ. Công ty ghi nhận doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà Công ty sẽ phải thực hiện trong tương lai. Các phần điều kiện ghi nhận doanh thu được thỏa mãn thì phần doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tương ứng trong kỳ.

Năm 2019, Công ty phát sinh nợ vay ngắn hạn 713 tỷ đồng, không có nợ vay dài hạn. Trong đó, bao gồm 133,4 tỷ đồng khoản trái phiếu mà Công ty phát hành ra công chúng theo thông báo phát hành trái phiếu ngày 16/11/2019. Trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản và vật kiến trúc của Khu nghỉ dưỡng ALMA. Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành với lãi suất cố định là 11%/năm.

580 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn từ Công ty Elgin – công ty mẹ theo hợp đồng vay ký ngày 19/5/2019, không có tài sản đảm bảo và không có lãi suất với kỳ hạn 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Tại thời điểm cuối năm 2019, số dư khoản vay là 24,97 triệu USD và theo phụ lục hợp đồng 23/6/2020, khoản vay sẽ có kỳ hạn mới là 36 tháng kể từ ngày giải ngân và có lãi suất 5%/năm từ ngày 1/1/2020.

Thông tin trên Báo cáo tài chính kiểm toán 2020 cho biết, Vịnh Thiên Đường thành lập ngày 5/2/2013, với lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng và khai thác Khu nghỉ dưỡng ALMA tại tỉnh Khánh Hòa, và cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

Được biết, ALMA Resort quy mô 30 ha ở Cam Ranh, Khánh Hoà, gồm 196 biệt thự, 384 căn hộ cao cấp và các khu tiện ích, khởi công xây dựng từ năm 2014. Nhà thầu chính của dự án là CTCP Xây dựng Hòa Bình (HBC) và CTCP Xây dựng Central. Đầu năm 2020, dự án chính thức vận hành nhưng do tác động bởi đại dịch Covid nên phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ ban đầu của Vịnh Thiên Đường là 105 tỷ đồng, cổ đông sáng lập là Công ty Elgin Investments Pte Ltd (95%) và ông Nguyễn Trúc Hiền (5%). Đến tháng 4/2016, toàn bộ cổ phần của ông Trúc Hiền được chuyển sang cho ông Dương Tuấn Anh.
 

DiaOcOnline.vn – Theo TNCK