Đề xuất vốn tạm ứng với dự án sử dụng ngân sách nhà nước không vượt 30%

Cập nhật 02/11/2018 08:49

Thay vì 50% như hiện tại, tổng mức tạm ứng hợp đồng với các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước Bộ Tài chính đề xuất không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết.

Bộ Tài chính đề xuất tổng mức tạm ứng hợp đồng với các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết.

Bộ Tài chính đã có ý kiến đóng góp với dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ về Hợp đồng xây dựng”.

Theo đó, thay vì 50% như hiện tại, tổng mức tạm ứng hợp đồng với các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết.

Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi quy định về tạm ứng hợp hợp đồng xây dựng theo hướng mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với phân kỳ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp hợp đồng và khối lượng thực hiện từng năm.

Mức vốn tạm ứng và số lần tạm ứng được phân định rõ theo từng năm phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng trong năm tương ứng. Đồng thời, tổng mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng ở mức cao hơn thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.

Ngoài ra, riêng đối với dự án sử dụng ngân sách nhà nước, do kế hoạch vốn không hoàn toàn tương thích với tiến độ thực hiện dự án do phải phù hợp với cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, theo đó ngoài việc căn cứ vào tiến độ thực hiện còn phải căn cứ vào kế hoạch vốn được bố trí trong năm.

Đồng thời, quan điểm Bộ Tài chính là không nên quy định mức tạm ứng tối thiểu đối với các hợp đồng thực hiện dự án sử dụng ngân sách nhà nước.

Về việc thu hồi tạm ứng, Bộ Tài chính kiến nghị quy định vốn tạm ứng phải được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng và đảm bảo thu hồi hết khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng trừ trường hợp đã được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép tạm ứng ở mức cao hơn 80% giá trị hợp đồng.

Ngoài ra, nhằm có chế tài xử lý đối với việc sử dụng tạm ứng, thu hồi tạm ứng để tăng trách nhiệm đối với các đơn vị sử dụng vốn tạm ứng nguồn ngân sách nhà nước, góp phần giảm số dư tạm ứng lớn và kéo dài qua nhiều năm tại Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính kiến nghị vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc khi phát hiện nhà thầu sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước.

Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi, Kho bạc Nhà nước có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng theo nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về việc sử dụng vốn tạm ứng.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet