Các chuyên gia kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Thuế tài sản cần trả lời được câu hỏi: Người dân sẽ nhận được gì sau khi đóng thuế tài sản?
Tại hội thảo về khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 12-12, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu ra những kịch bản phải đối mặt khi luật thuế này ban hành và tác động đến người dân.
Gặp khó do thiếu minh bạch
Tiến sĩ (TS) Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nhận định tên gọi của luật đã có vấn đề. Trên thế giới không gọi chung chung là Luật Thuế tài sản mà nêu cụ thể như luật thuế đất đai, thuế nhà ở hay thuế tài sản ròng. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề nghị đánh thuế tài sản. Theo ông Cường, đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ôtô là phi lý vì những tài sản này mất giá theo thời gian. Do đó chỉ nên đánh thuế bất động sản.
Biểu đồ về ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản đối với các hộ gia đình (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách)
|
Theo TS Vũ Sỹ Cường, câu chuyện đánh thuế tài sản khá phức tạp ở nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, việc người dân và giới chuyên môn phản ứng mạnh mẽ sau đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính là điều hết sức bình thường.
"Từ rất lâu, tại nhiều quốc gia đã tranh luận nên đánh thuế liên quan đến tài sản hay không. Do đó, để áp dụng loại thuế này, Việt Nam phải có sự khác biệt và sự khác biệt đó phải dựa trên cơ sở nào. Một sắc thuế muốn thực hiện được thì cần hiệu quả, thực tiễn, ít mục tiêu và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia" - ông Cường nói.
Tại Việt Nam, thuế tài sản đã được áp dụng từ lâu như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng loại thuế này chỉ đóng góp 0,03% - 0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn các nước rất nhiều. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, đạt từ 5%-7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ chiếm 2%.
Việc đánh thuế tài sản tại Việt Nam sẽ không dễ dàng vì theo TS Vũ Sỹ Cường, nước giàu thu được do xã hội đồng thuận, sự minh bạch và tính giải trình trong cả thu và chi tại các nước này rất cao. Ở Việt Nam chưa có luật thuế tài sản nhưng đã có nhiều luật thuế liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế đất phi nông nghiệp, thuế đăng ký trước bạ.
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhấn mạnh muốn cải thiện thu, tạo được sự đồng thuận cao của người dân thì việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ngân sách ở mọi cấp là rất quan trọng, đặc biệt nâng cao giải trình trong các khoản chi ngân sách. "Việc cải thiện ngân sách cũng có thể bắt đầu từ việc tiết kiệm chi, không nhất thiết phải tăng cường thu" - ông Thành nói.
Cú sốc về thu nhập và tiêu dùng
Các chuyên gia đã dành nhiều thời gian để "mổ xẻ" vấn đề chọn ngưỡng nào để đánh thuế tài sản nhà đất phù hợp với Việt Nam và ít tác động nhất.
Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), đã dự báo ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản đối với các hộ gia đình. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kịch bản thuế suất 0,3% và 0,4% đối với các ngưỡng 700 triệu đồng, 1 tỉ đồng và 2 tỉ đồng để đánh giá tác động.
Ông Nguyễn Việt Cường cho biết phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỉ đồng đối với nhà ở sẽ tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763.000 đồng, mức chi tiêu giảm đi là 525.000 đồng.
Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỉ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn (tương ứng mức thuế mỗi hộ phải nộp 1,198 triệu đồng, mức chi tiêu giảm 800.000 đồng) nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao.
Ông Nguyễn Việt Cường đề xuất chọn khởi điểm nhà có giá trị từ 2 tỉ đồng trở lên mới phải đóng thuế, như vậy sẽ hợp lý hơn. Ông Nguyễn Việt Cường cũng nhận định đánh thuế tài sản sẽ tạo ra cú sốc về thu nhập và tiêu dùng. Theo đó, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng 0,9%, giảm chi tiêu thực tế 0,7%.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc này cần phải xem xét, cân nhắc thêm. "Các phương án mà nhóm nghiên cứu đưa ra đều chỉ rõ những tác động, ảnh hưởng cụ thể. Ngưỡng đánh thuế này còn phụ thuộc vào cách chúng ta xác định giá trị tài sản bởi nếu xác định theo giá của nhà nước đưa ra thì tài sản đó có giá trị khác, còn xác định theo giá thị trường thì thông thường sẽ cao hơn" - ông Cường cho hay.
Ông Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị phải chọn một ngưỡng đánh thuế phù hợp để không ảnh hưởng đến những người tiêu dùng ở mức tối thiểu nhưng lại điều tiết được những người đang sở hữu rất nhiều tài sản; đồng thời tạo ra sự bình đẳng và sử dụng hài hòa các nguồn tài nguyên đất.
Loay hoay xác định mục đích đánh thuế
Theo TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Bộ Tài chính khá loay hoay khi xác định mục đích đánh thuế. Ngoài ra, việc thiếu hệ thống giám sát đối với chi tiêu từ các khoản thuế đã thu dẫn đến không tạo được sự đồng thuận khi ban hành các sắc thuế mới. Ông Thế Anh đề xuất dự thảo luật phải giải quyết được các vấn đề như thu để làm gì, ai hưởng và người dân giám sát như thế nào.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ