Dè dặt với cổ phiếu bất động sản

Cập nhật 17/11/2011 08:05


Việc CTCP Địa ốc Dầu khí giảm giá bán căn hộ đã làm nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Lê Toàn
Nhà đầu tư dè dặt hơn với cổ phiếu bất động sản, do lo ngại về những rủi ro tài chính của các doanh nghiệp ngành này.

Thông tin bán tháo cổ phiếu bất động sản để “thoát hiểm” như trường hợp Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (mã PVL) vì khó khăn về tài chính đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản.

Thêm vào đó, theo lộ trình, ngày 31/12/2011 là hạn chót các ngân hàng thương mại phải đưa dư nợ tín dụng cho vay phi sản xuất về mức 16%. Điều này đang tạo sức ép lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.

Sự thận trọng của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu bất động sản đã thể hiện rõ khi sức cầu đối với nhóm cổ phiếu ngành này trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây rất yếu.

Theo dõi diễn biến của một số cổ phiếu bất động sản đang niêm yết, rất nhiều cổ phiếu đã rơi vào tình trạng tụt dốc mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt trong 1 tháng qua (từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11) đã giảm từ 24.000 đồng/cổ phiếu, xuống còn 20.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu SJS của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) trong 1 tháng qua cũng giảm từ gần 27.000 đồng xuống còn hơn 17.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu ITC của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà giảm từ mốc gần 12.000 đồng xuống dưới 9.000 đồng/cổ phiếu…

Theo ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Thăng Long, việc nhà đầu tư thận trọng với nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua cũng là điều dễ hiểu, bởi ngành bất động sản hiện chứa đựng nhiều rủi ro.

Trong khi đó, trên thị trường bất động gần đây cũng xuất hiện một số trường hợp khuyến mại rầm rộ nhằm huy động vốn từ công chúng. Đơn cử, Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC) vừa công bố đợt phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Các trái chủ được tặng thẻ ưu đãi mua sản phẩm nhà, đất của HDC tại các dự án trong chương trình phát hành trái phiếu.

Với diễn biến khuyến mại khá mạnh tay của các doanh nghiệp bất động sản, có quan điểm cho rằng, các công ty bất động sản bắt đầu thay đổi chiến lược bán hàng. Theo đó, các công ty sẽ chấp nhận giảm doanh thu, giảm lợi nhuận để kích cầu, giúp thị trường giao dịch sôi động trở lại.

Thực tế cho thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản không chỉ là bức tranh toàn màu xám, mà vẫn có không ít điểm sáng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3) trong quý III vừa qua vẫn đạt lãi sau thuế 18 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần so cùng kỳ năm 2010, với EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) là 1.828 đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO (UIC) cũng vẫn đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 7 tỷ đồng trong quý III/2011, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (CLG), một đơn vị kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đạt được mức lợi nhuận gộp lên đến hơn 20 tỷ đồng trong quý III/2011 (tăng 200% so với cùng kỳ), luỹ kế 9 tháng đầu năm lãi hơn 58 tỷ đồng (tăng 79% so với cùng kỳ).

Dẫu có một vài điểm sáng, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, cổ phiếu của ngành này khó có cơ hội lội ngược dòng trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư