Đâu là lối thoát?

Cập nhật 12/04/2010 13:40


Một số dự án vẫn hút khách hàng nhờ giải pháp phát hành trái phiếu dự án.
Lao Động ngày 5.4 đã có bài "Bất động sản khốn khó vì lãi suất cao" - đề cập một vấn đề có thể là nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản trong suốt 3 năm qua. Càng ngày thị trường bất động sản càng lệ thuộc vào sự biến động của chính sách lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Thường khi lãi suất tăng cao, bất động sản (BĐS) bị "tắt máy". Rất may, trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp BĐS vùng vẫy để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của các NH.

Lãi suất cao, BĐS "tắt máy"

Có thể nói BĐS là kênh đầu tư chỉ đứng sau TTCK về quy mô thu hút vốn đầu tư. Người ta có thể thấy được điều này qua diễn biến của cơn khủng hoảng thị trường BĐS trong năm 2008. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, hệ thống NH đã nâng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay thực tế lên đến trên 20%/năm. Ngay lập tức, thị trường BĐS bị tác động, giá nhà đất sụt giảm thê thảm, chỉ trong 1 năm đã mất bình quân 40-50% giá trị so với lúc cao điểm. Thậm chí, có khu vực giá nhà đất đã mất xấp xỉ 70%.

Trước đó, trong suốt nửa năm 2007, với sự hỗ trợ về nguồn vốn của hệ thống NH, thị trường BĐS được bơm căng vốn, khiến giá nhà đất cứ thay đổi hàng ngày, giá tăng chóng mặt. Năm 2008 cũng là năm người ta thấy rõ sự lệ thuộc của thị trường BĐS vào thị trường vốn. Nói một cách hình ảnh, thị trường vốn gặp khó khăn, ngay lập tức thị trường BĐS bị “tắt máy”.

Tình hình của thị trường BĐS đầu năm 2010 có kịch bản gần giống với năm 2008, lãi suất cho vay thực tế đã xấp xỉ mức 20%. Thị trường BĐS TPHCM ngay lập tức bị tác động mạnh. Giá nhà đất sau 2 năm sụt giảm liên tiếp đã bị đẩy xuống đáy, nhưng sức mua của thị trường vẫn không thể nhích lên được. Thậm chí, sự kiện lắp đặt đường hầm Thủ Thiêm (nối quận 1 và quận 2) cũng không thể khiến thị trường BĐS trên địa bàn quận 2 sôi động thêm.

Tìm hướng đi


Một trong những Cty đi tiên phong là Sacomreal. Tính đến thời điểm hiện nay, Sacomreal đã thành công với mô hình phát hành trái phiếu dự án đối với 3 dự án Phú Lợi 1, Phú Lợi 2 và Belleza. Người mua trái phiếu được hưởng lãi suất xấp xỉ với lãi suất huy động vốn của các NH; ngoài ra còn được hưởng hàng loạt quyền lợi khác như quyền mua căn hộ với mức chiết khấu trên 7%... Với cách tiếp cận nguồn vốn nhàn rỗi một cách khoa học và khéo léo, Sacomreal vừa bán được hàng, vừa có vốn để triển khai 3 dự án kể trên bất chấp những khó khăn của thị trường BĐS trong suốt thời gian qua.

Một hướng đi khác được nhiều DN lựa chọn, đó là thu hút vốn đầu tư từ thị trường tài chính thông qua hình thức niêm yết CP trên sàn giao dịch CK. Trước đây, chỉ có một số ít các Cty có thực lực, có thương hiệu mới dám mạo hiểm lên sàn, thì nay những Cty nhỏ, thương hiệu chưa được nhiều người biết đến cũng mạo hiểm lên sàn.

Trong số những DN BĐS lên sàn thành công có thể kể đến như CTCP Nhà VN. Chỉ hơn 10 ngày kể từ khi chính thức lên sàn (ngày 30.3.2010) giá CP của Cty đã tăng gần 10 ngàn đồng/CP.

Trước đó, Cty Đất Xanh, một DN nhỏ trong ngành BĐS với hoạt động chủ yếu là môi giới cũng lên sàn thành công, giá trị CP có thời điểm tăng hơn 50% so với giá tham chiếu ngày lên sàn...

Từ sự thành công của các Cty BĐS đi trước lên sàn thành công, hàng loạt các Cty khác cũng chuẩn bị lên sàn. Ngày 12.4 tới, 10 triệu CP của CTCP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) sẽ lên sàn giao dịch.

Trong buổi gặp gỡ giới thiệu với các NĐT, ông Phan Anh Dũng - Phó TGĐ Cty PPI - cho biết, việc lên sàn giao dịch CK, ngoài việc tạo tính thanh khoản cho CP, sẽ giúp Cty dễ dàng huy động vốn cần thiết để thực hiện các dự án. Về lâu dài, PPI sẽ dần tăng VĐL lên 200 tỉ đồng trong hai năm tới, và ước tính phải cần đến 8.000 tỉ đồng để thực hiện 13 dự án BĐS.

Sang tháng 5.2010, CTCP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) sẽ niêm yết 100 triệu CP của Cty... Rõ ràng, việc huy động vốn thông qua TTCK đang được các Cty BĐS chú trọng nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc nguồn vốn NH, nhằm ổn định phát triển đang là hướng đi đúng đắn.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động