Đã đến lúc ngân hàng nới lỏng tín dụng cho bất động sản?

Cập nhật 31/03/2012 07:30

Những dự án tốt, nhanh chóng ra sản phẩm “sạch”, phân khúc phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ có nhiều cơ hội “lọt mắt xanh” các ngân hàng để từ đó được xem xét cơ cấu lại các món nợ cũ, khoanh nợ, giãn nợ và vay gói mới.

Tại cuộc hội thảo “Tìm vốn cho thị trường bất động sản” do Tập đoàn FLC tổ chức sáng nay, 30.3, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, nguyên thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, nhiều ngân hàng đang dư rả nguồn vốn nhưng lại thực hiện chủ trương hạn chế cho vay phi sản xuất trong đó có bất động sản.

Ông Phan Thành Mai- Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng rất nhiều chủ đầu tư cần được khoanh nợ để có cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn 

 Vì sao ngân hàng không chịu “mở hầu bao” giải cứu thị trường bất động sản, theo bà Mùi là bởi chính sách tài khóa chặt chẽ đang được thực thi, dòng vốn được chủ trương hướng vào sản xuất. Bên cạnh đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng 2012 cao nhất chỉ 17%, có nhóm là 0% nên các ngân hàng phải cân nhắc đầu tư vào đâu để mức độ rủi ro có thể chấp nhận được và có thể nhanh chóng thu hồi. Nếu “hào phóng” cho vay bất động sản thì có khả năng nhiều ngân hàng tăng trưởng quá hạn mức và sẽ bị ngân hàng nhà nước “tuýt còi”, đưa vào danh sách “đen” và bị kiểm soát.

“Trong bối cảnh vĩ mô bất ổn, lạm phát cao thì những động thái chính sách này là hợp lý. Tuy nhiên tôi cho rằng cùng với những tín hiệu tốt lên của kinh tế vĩ mô, thời gian tới động thái chính sách sẽ khác. Riêng cho vay bất động sản cần cân nhắc xem xét đúng mức vấn đề này. Ngân hàng không phải không muốn cho vay BĐS, những dự án tốt, nhanh chóng ra sản phẩm sạch thì các ngân hàng vẫn đang cố gắng xử lý , cho vay để bản thân doanh nghiệp bán được sản phẩm, trả được gốc và lãi cho ngân hàng. Các ngân hàng đều ý thức được việc nếu đóng cửa thì sản phẩm của doanh nghiệp sẽ luôn luôn dở dang, doanh nghiệp không tồn tại được và nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục cao”, bà Mùi phân tích.

Cũng theo bà Mùi thì cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tìm tiếng nói chung. Sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra để khắc phục những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản như giãn nợ, cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp này và tùy từng trường hợp có thể “giải cứu” DN. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có nợ xấu dự án còn “đang nằm trên giấy” sẽ không có cơ hội nào để được ‘cứu”.

Đồng quan điểm này, ông Phan Thành Mai- Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang có khoản vay ngân hàng đến hạn phải trả. Nếu như không có các giải pháp giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp bất động sản thì dù ngân hàng có nới lỏng cho vay bất động sản thì các doanh nghiệp này cũng không thể “hấp thụ” được nguồn vốn mới.

Ông Mai đưa ra kiến nghị: nhà nước nên mua lại một số khoản nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng với với giá cả hai bên doanh nghiệp và ngân hàng chấp nhận được thì sẽ giải tỏa được cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng các khoản nợ xấu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn mới, ngân hàng cũng “khỏe lên” còn tổ chức mua lại khoản nợ xấu trên cũng sẽ có nhiều cơ hội khi thị trường “hồi sinh” trở lại.

Lãnh đạo FLC giới thiệu dự án hồ Cẩm Quỳ với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu 

 Lạc quan hơn, dưới góc độ chủ đầu tư,Th.S Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng lãi suất huy động giảm gián tiếp đẩy một lượng tiền mặt lớn từ tiền gửi tiết kiệm ra thị trường, cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm tiền mặt. Lãi suất cho vay sẽ sớm trở vể mức 17-19%/năm và còn khoảng 13-14%/năm vào cuối năm. Áp lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng cũng đang giảm, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang được triển khai mạnh, làm giảm chi phí trung gian, tăng hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro của toàn hệ thống tín dụng.

Đây sẽ là những yếu tố quan trọng để tiếp tục hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, đồng thời là cơ sở để Chính phủ xem xét nới lỏng tín dụng dành cho BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN