Cổ phiếu BĐS sẽ thay thế kênh đầu tư BĐS truyền thống?

Cập nhật 17/05/2010 09:10

Các cơ hội từ tăng giá đất đều được phản ánh tương đối nhanh chóng vào giá cổ phiếu có quỹ đất lớn thuộc khu vực giá tăng. Bởi vậy, việc đầu tư cổ phiếu BĐS có thể là lựa chọn thay thế kênh đầu tư BĐS truyền thống như hiện nay.

Tỷ lệ sinh lời cao


Cổ phiếu BĐS có tỷ lệ sinh lời cao (ảnh Quý Đoàn)

Năm 2009, đa phần các cổ phiếu BĐS đều có biến động giá tích cực với tỷ lệ sinh lời rất cao. Điển bình như các mã cổ phiếu NTL (Công ty CP nhà Từ Liêm), giá thời điểm hiện tại so với đầu năm 2009 đã tăng tới 452,5%.

Tương tự, STL (Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà - Thăng Long) tăng 52,97%; TDH (Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức) tăng 230,78%; SJS (Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị KCN Sông Đà) tăng 273,27%; HDC (Công ty CP nhà Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng 392,23%;

LCG (Công ty CP Licogi 16) tăng 169,54%; RCL (Công ty CP Địa ốc Chợ Lớn) tăng 291,07%; CII (Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM) tăng 148,13%; KHA (Công ty CP XNK Khánh Hội) tăng 150,36%; HBC (Công ty CP Xây dựng và kinh doanh Địa ốc Hòa Bình) tăng 175,31%...

Đặc biệt, trong Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trong năm 2009 kể từ đáy của thị trường cũng có sự góp mặt của đa số các cổ phiếu BĐS, đó là S96 (Công ty CP Sông Đà 9.06), PVA (Công ty CP xây dựng dầu khí Nghệ An), HUT (Công ty CP Tasco) và STL. Không những vậy, đây cũng là ngành có tỷ suất lợi nhuận trung bình cao nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cổ phiếu BĐS là nhóm ngành có Beta (hệ số đo lường mức biến động lợi nhuận cổ phiếu) cao biến động mạnh hơn và có tính dẫn dắt thị trường chung trước những chu kỳ lớn năm 2009 và nửa đầu 2010. Ngay cả trong giai đoạn suy thoái, cổ phiếu BĐS có tỷ lệ giảm thấp hơn thị trường chung, ngược lại đón trước và vượt trội trong chu kỳ tăng giá.

Yếu tố đột biến của loại cổ phiếu này được thể hiện rõ nét thông qua khả năng tăng giá mạnh trong thời gian ngắn gắn liền với những chuyển động tích cực từ nền kinh tế vĩ mô.

Những tín hiệu đầu tiên từ mở rộng tín dụng ngay lập tức đã tác động tới các kênh đầu tư, đặc biệt là bất động sản và thị trường chứng khoán, thúc đẩy giá cổ phiếu BĐS. Do vậy, biến động giá cổ phiếu BĐS phản ánh nhạy bén gắn liền với chu kỳ tín dụng nới lỏng và ngược lại.

Cơ hội từ những đột biến


Doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng có tính đặc thù riêng chứa đựng yếu tố đột biến. Theo ông Lê Chí Phúc - Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ IPA, “điểm rơi” lợi nhuận thường tập trung vào giai đoạn cuối sau khi đã triển khai dự án được nhiều năm và sản phẩm được bán trên thị trường.

Đây là thời điểm mà tính đột biến về lợi nhuận được thể hiện rõ và là đối tượng săn lùng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tính đầu cơ của các sản phẩm BĐS cũng tạo nên những đột biến đối với giá trị và lợi nhuận của công ty kinh doanh lĩnh vực này.

Tài sản của các công ty BĐS thường ở dạng tiềm ẩn, nhiều công ty có lợi thế đặc biệt trong việc tiếp cận quỹ đất giá vốn thấp nhưng giá trị ẩn giấu của nó thì có thể đột biến rất cao. Và cơ hội thu hút dòng tiền sẽ thể hiện rõ khi thị trường nhìn nhận đúng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp.


Cổ phiếu BĐS đã đủ hấp dẫn để thay thế kênh đầu tư truyền thống? (ảnh minh họa)

Điều đáng nói là theo nhận định của những nhà phân tích thị trường, các cơ hội từ tăng giá đất đều được phản ánh tương đối nhanh chóng vào giá cổ phiếu có quỹ đất lớn thuộc khu vực giá tăng.

Logic đơn giản là khi giá đất tăng, giá trị tài sản là đất sạch dưới dạng hàng tồn kho tăng. Từ đó, lợi nhuận từ kinh doanh BĐS của công ty tăng khiến giá cổ phiếu tăng.

Chính vì vậy, với hàng chục Công ty BĐS đang niêm yết, nhà đầu tư luôn có nhiều lựa chọn phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của thị trường BĐS. Chẳng hạn như khi đất phía Tây Hà Nội nóng lên, các công ty có quỹ đất phía Tây lớn với giá vốn rẻ như: SJS, NTL, HDG, HUT… sẽ được hưởng lợi.

Hay các mã KDH, NBB sẽ được hưởng lợi nhờ đất ở quận 2, 9 và dọc đại lộ Đông Tây tăng giá theo tiến độ triển khai hầm Thủ Thiêm và hạ tầng khu vực này…

Theo ông Phúc, tất cả những yếu tố trên đang chỉ ra cơ hội cho những nhà đầu tư có thể lựa chọn việc đầu tư cổ phiếu BĐS để thay thế kênh đầu tư BĐS truyền thống.

“Thay vì tự tìm hiểu, thực hiện tất cả các thủ tục mua bán một BĐS, nhà đầu tư có thể mua một phần công ty BĐS và để các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp thực hiện phát triển dự án và kinh doanh thay mình” - ông Phúc nói.

Nhận định này rõ ràng không phải là không có lý. Tuy nhiên, với một thị trường BĐS còn “tranh sáng tranh tối” như hiện nay, thì lựa chọn đầu tư BĐS trực tiếp hay qua kênh cổ phiếu sẽ được các nhà đầu tư cân nhắc thông qua giá trị lợi nhuận có thể mang đến cho họ.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí